Khuẩn phế cầu tấn công trẻ như thế nào?
Nghi ngờ viêm phổi do nhiễm khuẩn phế cầu, bé B.P.A (5 tháng tuổi, TP.HCM) được yêu cầu nhập viện điều trị khẩn cấp, trong tình trạng mê man, li bì. Chị N.A.T, mẹ bé cho biết: "Con tôi chỉ mới ho, khò khè 2 ngày vậy mà nay đã chuyển viêm phổi. Tuần sau tôi còn dự định đưa con tiêm vaccine phòng các bệnh do phế cầu khuẩn".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cố vấn cao cấp Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết: Vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae, thường được gọi là phế cầu. Có rất nhiều chủng vi khuẩn Streptococcus pneumoniae khác nhau, nhiều chủng thường trú trong mũi, họng và đường thở của người khỏe mạnh (những người này được gọi là người lành mang trùng). Phế cầu khuẩn rất dễ lây lan qua đường hô hấp, thông qua việc ho, hắt hơi, hôn, dùng chung vật dụng... hoặc tiếp xúc, va chạm với người bệnh hoặc người khỏe mạnh mang mầm bệnh.
Các yếu tố nguy cơ khác gây bệnh bao gồm vệ sinh kém, hệ miễn dịch yếu, nhập viện thường xuyên, sử dụng máy thở, hen suyễn, tim mạch; hút thuốc lá,...
Phế cầu là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó phổ biến nhất là viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa và nhiễm khuẩn huyết. Vi khuẩn phế cầu ngày càng tăng mạnh mức đề kháng với các loại kháng sinh. Do đó, bệnh gây áp lực trong việc điều trị, tạo gánh nặng với ngành y tế và xã hội bởi di chứng để lại có thể rất nặng như mù, điếc, liệt hoặc chậm phát triển tâm thần kinh...
Trung bình cứ 20 giây, bệnh viêm phổi lại giết chết 1 đứa trẻ. Tại Việt Nam, hàng năm, bệnh viêm phổi cướp đi mạng sống của khoảng 4.000 trẻ em trong tổng số 2,9 triệu ca mắc.
Bảo vệ trẻ khỏi phế cầu khuẩn bằng vaccine
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh: "Phế cầu là một tác nhân vi khuẩn khá nguy hiểm, khu trú vùng tai-mũi-họng ở người khỏe mạnh, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như viêm họng, viêm mũi, viêm tai và rất nặng là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Do đó việc phòng ngừa là rất quan trọng. Biện pháp thụ động như vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay, tăng sức đề kháng cơ thể chỉ là một phần. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu vẫn là chủ động tiêm vaccine giúp bảo vệ trẻ từ sớm".
Tính đến năm 2014, thế giới đã có hơn 53 quốc gia đã áp dụng vaccine phế cầu trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Tại Việt Nam, vaccine phế cầu cũng đã chứng minh được hiệu quả phòng bệnh.
Việc tiêm vaccine phòng viêm phổi nói riêng và phòng các bệnh do phế cầu khuẩn nói chung là biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm các bệnh nhiễm trùng liên quan do vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae.
Lịch tiêm chủng vaccine phòng ngừa phế cầu khuẩn cho trẻ
Vaccine phế cầu được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần đến 5 tuổi với nhiều phác đồ khác nhau tùy theo độ tuổi. Theo đó lịch tiêm được khuyến cáo như sau:
Trẻ từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi
- Mũi 1: vào 2 tháng tuổi.
- Mũi 2: vào 3 tháng tuổi.
- Mũi 3: vào 4 tháng tuổi.
- Mũi 4: sau 6 tháng kể từ mũi thứ 3.
(Liều đầu tiên của liệu trình này có thể bắt đầu từ 6 tuần tuổi. Khoảng cách giữa 3 liều đầu tiên là 1 tháng; liều nhắc lại sau 6 tháng kể từ mũi thứ 3).
Trẻ từ 7- 11 tháng (chưa từng được tiêm phòng vaccine trước đó)
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: cách mũi 1 là 1 tháng.
- Mũi 3: hai tháng sau mũi 2 và phải tiêm sau 1 tuổi.
Trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi (chưa từng được tiêm phòng vaccine trước đó).
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: cách mũi 1 là 2 tháng.
Hoài Thương