Tránh ánh nắng. (smarthome) |
Hệ thống nghe nhạc/rạp hát gia đình đòi hỏi một mức đầu tư khá lớn so với thu nhập của một người bình thường. Vì vậy, việc tuân thủ các qui trình vận hành để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, kéo dài tuổi thọ của các thiết bị là mối quan tâm của những người sử dụng. Bên cạnh những khuyến cáo của các nhà sản xuất đối với từng thiết bị, còn một vài vấn đề cần lưu ý trong việc bảo quản và vận hành hệ thống âm thanh/ rạp hát gia đình.
1. Nếu loa không có độ nhạy cao thì đừng để chúng "đói" công suất
"Đói" công suất ở đây được hiểu là ampli cung cấp công suất nhỏ hơn so với công suất tối thiểu cần thiết cho chế độ làm việc của loa. Chẳng hạn, không thể dùng ampli đèn single công suất vài watt để kéo một cặp loa có độ nhạy chỉ 85 dB. Khi ampli cung cấp công suất quá nhỏ thì có nghĩa là nó phải "gồng sức" để tải cặp loa, và lúc đó tín hiệu của ampli cung cấp ra loa sẽ bị chia cắt dưới dạng sóng vuông. Sóng vuông chứa đựng những điều không mong muốn đối với loa tép. Nó sẽ làm cho loa tép thành phần trong hệ thống loa không thể chịu đựng được. Trong điều kiện làm việc như vậy, loa tép sẽ bị "khô" và nhanh "chết", thậm chí chỉ trong giây lát.
2. Không để hệ thống âm thanh làm việc trong điều kiện quá nóng
Không để các thiết bị chồng chéo lên nhau. (Nicolas) |
Trường hợp cụ thể là đặt các thiết bị chồng lên nhau, đặt trong tủ kính bị bịt kín 4 mặt, hoặc để các ampli đèn, ampli class A, cục công suất (ampli công suất) gần các thiết bị khác.
Trong trường hợp thứ nhất, việc đặt các thiết bị chồng lên nhau sẽ làm bịt kín các lỗ tản nhiệt của một số thiết bị nằm dưới. Nói một cách nôm na, nó giống như đắp một cái chăn lên mặt khi ngủ. Như vậy sẽ làm giảm tuổi thọ của thiết bị, nhất là làm cho một số linh kiện bên trong như sò công suất, ổn áp... rất mau bị hỏng.
*Chỉnh bass cho home theater |
*Chọn mua đầu CD |
*Chọn mua ampli bình dân |
*Nguồn điện và hệ thống âm thanh |
Việc đặt thiết bị trong các ngăn kính hình hộp bị bịt kín 6 bề mặt (trên thị trường có giá đựng thiết kế theo kiểu này) cũng sẽ làm cho nhiệt lượng toả ra trong quá trình vận hành máy không thể thoát ra ngoài và làm cho môi trường làm việc của nó trở nên quá nóng hơn mức khuyến cáo của nhà sản xuất.
Trong trường hợp thứ ba, các ampli bóng đèn và ampli bán dẫn class A, thậm chí cả ampli công suất, thường toả ra một nhiệt lượng khá lớn, nếu để quá gần các thiết bị khác sẽ làm ảnh hưởng tới các thiết bị đó. Sai lầm phổ biến thường gặp là đặt ampli công suất bên dưới preampli. Nên biết rằng, nguyên lý hoạt động của hệ thống tản nhiệt trong ampli công suất là làm cho nhiệt lượng thoát lên trên theo phương thẳng đứng. Vì thế nếu đặt ampli công suất dưới preampli hoặc bất kỳ một thiết bị khác sẽ làm cho thiết bị đặt bên trên ampli công suất "lãnh đủ" nhiệt lượng toả ra. Giải pháp tốt nhất là bạn nên đặt thiết bị toả ra nhiều nhiệt lượng ở trên cùng của giá đặt thiết bị, trong một không gian thoáng đãng. Nếu ampli của bạn đã không có sẵn quạt gió bên trong thì lý tưởng nhất là tự trang bị một quạt gió để "làm mát" cho nó. Ngoài ra, nên sắm một kệ kê máy chuyên dụng, hoặc đơn giản hơn là tự làm lấy một kệ máy chắc chắn và thoáng đãng, hợp thẩm mỹ để phục vụ mục đích này.
3. Cẩn thận trong đấu nối, tránh làm ngắn mạch
Không để ampli/receiver tải quá nhiều loa. (sonicflare) |
Thông thường, các ampli đời mới luôn có bộ phận bảo vệ hiện tượng ngắn mạch do một sơ suất vô tình nào đó của người sử dụng. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan khi đấu nối các thiết bị, đặc biệt việc rút ra cắm vào các giắc loa. Nếu hai đầu giắc loa chạm vào nhau thì sẽ tạo nên hiện tượng ngắn mạch và làm hỏng ampli chỉ trong một tích tắc!
4. Đừng cố để ampli/receiver của bạn tải quá nhiều loa
Một số ampli hoặc receiver đời mới cho phép cài đặt hai hệ thống nghe ở hai phòng khác nhau. Nhưng cần biết rằng, việc đấu nối quá nhiều loa vào một ampli không phải là một ý tưởng tốt, trừ phi ampli của bạn có công suất rất lớn và trở kháng ra nhỏ.
Chú ý hai nguyên tắc: Trở kháng của hệ thống loa phải phù hợp với tải của ampli và càng tăng số lượng đầu loa thì trở kháng của hệ thống loa càng giảm (trong trường hợp muốn kéo cùng lúc từ hai hệ thống loa trở lên). Cụ thể hơn, không nên bật cùng lúc hai cặp loa có trở kháng 8 Ohm trong khi ampli chỉ cho phép kéo một cặp loa 8 Ohm. Thực tế là không có nhiều ampli trở kháng ra 4 Ohm hoặc thấp hơn để kéo được cùng lúc nhiều cặp loa. Nếu có điều kiện, bạn nên tìm hiểu sâu hơn về nguyên tắc phối hợp trở kháng giữa các thiết bị để đảm bảo hệ thống hoạt động tối ưu.
5. Lưu ý tác động của ánh sáng tới hệ thống loa
Tránh bụi, chống ẩm. (Hometheatermag) |
Tia cực tím là nhân tố lý tưởng để làm phân huỷ gân loa làm bằng cao su hoặc xốp. Nếu ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào màng loa, quá trình thay gân loa sẽ bị rút ngắn. Ánh sáng của đèn neon cũng gây ra hậu quả tương tự. Vì vậy tốt nhất là bạn nên làm ê-căng che màng loa nhằm hạn chế sự xâm nhập của tia cực tím.
6. Đừng xem nhẹ bụi bẩn
Bụi bẩn được coi là kẻ thù của bất kỳ thiết bị điện tử nào. Bụi sẽ bám lên bề mặt mạch điện và làm giảm tính truyền dẫn của nó. Khi có điều kiện, bạn phải lau chùi và làm vệ sinh bên trong các thiết bị, đặc biệt là bề mặt của các bo mạch.
7. Chú ý độ ẩm
Trong những ngày nồm ở miền Bắc, độ ẩm rất cao, hơi nước tích tụ sẽ bám lên bề mặt của các mạch điện. Do nước có bản chất là dẫn điện nên sự tích tụ của nước trên bề mặt các bo mạch sẽ có thể gây nên hiện tượng chập do ngắn mạch và phá huỷ một số linh kiện, thậm chí phá huỷ cả một thiết bị rất đắt tiền. Lời khuyên là trong những ngày trời nồm, bạn nên tạm dừng việc sử dụng các thiết bị audio. Nếu muốn sử dụng thì tốt nhất dùng máy sấy để sấy thật khô bề mặt của các bo mạch và các linh kiện thành phần trong thiết bị điện tử.
Tân Huyền