"16h ngày 13/4, kíp vận hành tổ hợp tên lửa diệt hạm Neptune nhận được dữ liệu rất bất ngờ từ radar cảnh giới, trong đó cho thấy mục tiêu lớn ở cách bờ biển khoảng 120 km. Chỉ một vật thể có kích thước tương tự trong khu vực, đó là soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen hải quân Nga", tờ Ukrainska Pravda của Ukraine cho biết trong phóng sự điều tra đăng ngày 14/12.
Dữ liệu mục tiêu này khi đó được cho là bất thường, bởi quân đội Ukraine không sở hữu radar có khả năng phát hiện mục tiêu ngoài đường chân trời, khiến tầm hoạt động của chúng thường bị giới hạn ở khoảng cách 15-20 km. Báo Ukrainska Pravda đã phỏng vấn loạt nguồn tin giấu tên trong quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine để làm rõ điều này.

Tuần dương hạm Moskva bốc khói đen trong ảnh được chia sẻ hôm 18/4. Ảnh: Twitter/Osinttechnical.
"Khi chiến sự bùng phát, chúng tôi không có radar vượt đường chân trời, phía Nga biết rõ điều đó. Tuy nhiên, đáy mây rất thấp ngày 13/4 và mặt biển đã tạo ra hành lang phản xạ tín hiệu radar, khiến sóng radar chạm tới tàu Moskva", một nguồn tin trong quân đội Ukraine cho hay.
Các nguồn tin nhận định kíp vận hành soái hạm Moskva khi hoạt động trên Biển Đen đã chủ quan cho rằng họ đang ở ngoài tầm phát hiện của radar Ukraine và không bật radar cảnh giới trên hạm.
"Ngay cả khi hệ thống phòng không của tàu Moskva được kích hoạt, chúng cũng sẽ gặp khó với những tên lửa như Neptune, bởi quả đạn có thể bay sát mặt biển và chỉ bị phát hiện khi đã áp sát mục tiêu, khiến đối phương có rất ít thời gian phản ứng", một kỹ sư tên lửa Ukraine giải thích.
Dữ liệu mục tiêu đầy bất ngờ này lập tức được chuyển cho các tổ hợp tên lửa Neptune của Ukraine. Ngay khi tuần dương hạm Moskva tiến vào trong tầm bắn, hai tên lửa Neptune được phóng về phía tàu chiến Nga.
Tên lửa mất khoảng 6 phút để bay tới mục tiêu, nhưng quân đội Ukraine không có cách nào để xác định được kết quả của đòn đánh.
Đơn vị vận hành máy bay không người lái Bayraktar TB2 khi đó từ chối triển khai phi cơ với lý do mây mù cản trở khả năng quan sát từ trên cao, các máy bay chắc chắn bị tàu hộ vệ Nga bắn hạ nếu bay thấp dưới đáy mây.
"Không ai biết liệu các quả đạn có trúng đích hay không, nhưng dữ liệu sau đó cho thấy tàu chiến Nga tăng tốc và tìm cách phóng mồi bẫy đánh lừa tên lửa. 4 tàu cùng đồng loạt tiếp cận Moskva từ nhiều hướng, nhưng một trận bão nổi lên và cản trở hoạt động cứu hộ", một thành viên kíp vận hành radar nhớ lại.
Lực lượng Ukraine phát hiện một tàu kéo rời bán đảo Crimea và cơ động về phía tuần dương hạm Moskva, dấu hiệu cho thấy tình hình của soái hạm Hạm đội Biển Đen đang rất nghiêm trọng.
Đến ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo tuần dương hạm Moskva bị "nổ kho đạn", thủy thủ đoàn được sơ tán và con tàu được kéo về cảng ở Crimea. Tuy nhiên, soái hạm chìm sau đó không lâu do thân vỏ bị hư hại nặng nề và gặp sóng lớn.
Thị trưởng Odessa sau đó tuyên bố quân đội Urkaine đã sử dụng hai tên lửa chống hạm Neptune thực hiện đòn đánh khiến soái hạm Moskva bị chìm. Giới chức quốc phòng Mỹ sau đó cũng xác nhận thông tin.
Cuộc tập kích soái hạm Moskva không phải lần đầu tên lửa Neptune được sử dụng trong chiến sự Ukraine. Ukrainska Pravda cho biết lần tham chiến đầu tiên của hệ thống này diễn ra ngay trong những ngày đầu chiến sự, khi ba tàu đổ bộ cỡ lớn của Nga rời cảng Sevastopol và hướng tới bờ biển miền nam Ukraine. Nếu hải quân đánh bộ Nga tiếp cận được khu vực này, họ sẽ có bàn đạp tấn công những khu vực chiến lược gồm tỉnh Mykolaiv và Odessa.

Tên lửa Neptune khai hỏa trong đợt thử nghiệm năm 2019. Ảnh: BQP Ukraine.
"Các tên lửa Neptune khi đó được phóng từ phía nam Odessa về hướng Mykolaiv. Chúng phải bay qua thành phố Odessa ở độ cao 120 m để bảo đảm an toàn, thay vì 5-6 m trên mặt biển. Điều này khiến lực lượng Nga phát hiện và đánh chặn toàn bộ tên lửa", một sĩ quan Ukraine giấu tên cho hay.
Không có quả đạn Neptune nào bay tới đích, nhưng sự xuất hiện của chúng khiến nhóm tàu đổ bộ Nga quay đầu trở về Crimea. Phía Nga dường như bị bất ngờ trước đòn tấn công của Neptune, bởi các nguồn tin đều cho rằng loại tên lửa chống hạm này không thể đạt khả năng chiến đấu ngay từ cuối tháng 2.
Quân đội Ukraine quyết định biên chế tên lửa Neptune sau đợt thử nghiệm cấp nhà nước năm 2020, nhưng dự án trên thực tế đã bị đình trệ. Ngân sách chỉ được cấp cho dự án từ cuối năm 2020 theo chỉ thị trực tiếp từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Hệ thống đầu tiên được lắp đặt vào tháng 8/2021 trước lễ duyệt binh kỷ niệm 30 năm độc lập của Ukraine, nhưng vẫn không có tên lửa nào được bàn giao cho quân đội trong năm 2021. Những quả đạn đầu tiên chỉ được lấy từ nhà máy ở Kiev và chuyển đến Odessa ngày 20/2, vài ngày trước khi chiến sự bùng phát.
Quân đội Ukraine và Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về những thông tin trên.
Vũ Anh (Theo Ukrainska Pravda)