"Chuyến thăm sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vốn đã được định hướng bởi sự gắn bó đặc biệt giữa hai đảng xã hội chủ nghĩa cầm quyền", ông Hứa Lợi Bình, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định trong bài viết ngày 30/10 trên Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh, bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc.
"Hai nước đều do đảng Cộng sản lãnh đạo với ý chí phục vụ nhân dân, thực hiện đường lối ngoại giao độc lập tự chủ", ông Hứa Lợi Bình nói. "Hai quốc gia xã hội chủ nghĩa đều theo đuổi cải cách và mở cửa từ những năm 1970 và 1980, đều phát triển nhanh và cải thiện đáng kể đời sống nhân dân".
"Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế ổn định và tích cực, đạt tầm cao mới trong những năm qua", Global Times viết. Tháng 5/2008, hai bên nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt - Trung là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm "16 chữ" (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và tinh thần "4 tốt" (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt).
Global Times cũng dẫn ý kiến các chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc lãnh đạo đất nước thành công chứng tỏ chủ nghĩa xã hội theo kịp thời đại, hai đảng đủ năng lực thực hiện hiện đại hóa và phát triển, mang lại sự ổn định về chính trị cho đất nước.
Triệu Vĩ Hoa, chuyên gia về Việt Nam, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ Trung Quốc với Nước láng giềng thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho rằng duy trì quan hệ hòa bình, ổn định với Trung Quốc sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của mình.
Ông Hứa nhận định dù Trung Quốc và Việt Nam còn tồn tại một số bất đồng, trong đó có vấn đề trên biển, quan hệ giữa hai đảng có thể giúp hai nước quản lý khác biệt tốt hơn, xử lý tranh chấp một cách hòa bình.
Một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh nhận định Việt Nam trong những năm gần đây đóng vai trò quan trọng hơn trong ASEAN. Do đó, quan hệ Việt - Trung phát triển cũng giúp Trung Quốc thúc đẩy phục hồi kinh tế và hội nhập trong khu vực, củng cố hòa bình và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
People's Daily ngày 30/10 cũng đăng bài viết của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trên mục "Tin tức nổi bật", trong đó điểm lại những thành tựu nổi bật trong 72 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đánh giá quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, Bộ trưởng cho rằng thành tựu trong hợp tác kinh tế - thương mại đã góp phần đưa hai nước ngày càng có vị trí quan trọng trong quan hệ kinh tế đối ngoại của nhau.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới xét theo tiêu chí quốc gia. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt - Trung năm 2021 đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước.
Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung đạt 117,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Về đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 6 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.453 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 22,42 tỷ USD, tính đến tháng 8.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định có được những thành quả tốt đẹp như trên là không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Đoàn kết, tương trợ, cùng nhau vượt qua đại dịch, hợp tác phòng chống dịch trở thành điểm sáng của quan hệ song phương.
"Quan hệ hai nước có lúc thăng trầm, song hữu nghị, hợp tác luôn là dòng chảy chính", Bộ trưởng Ngoại giao viết. "Mối quan hệ đó sẽ không ngừng được tiếp thêm những động lực mới, phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới".
Hồng Hạnh (Theo Global Times)