Sinh năm 1987, kém Lê Văn Tuấn ba tuổi, nhưng Bảo Trung được tuyển thủ điền kinh quốc gia gọi là "thầy Bùi", hoặc "anh Trung". Gọi như vậy một phần vì Trung học khóa trên Tuấn tại Đại học Thể dục Thể thao TP HCM, nhưng phần nhiều là cách runner hàng đầu Việt Nam hiện tại thể hiện sự kính nể với người đã hướng dẫn anh sải những bước chạy đúng kỹ thuật đầu tiên trên chặng đường trở thành VĐV chuyên nghiệp.
Không chỉ Lê Văn Tuấn, Trương Trí Tâm - VĐV đang khoác áo đội điền kinh Bình Dương - cũng từng thụ giáo Bảo Trung. Với giới phong trào, bảng vàng học trò của anh còn đồ sộ hơn, với những gương mặt thường xuyên đứng bục các giải marathon như anh kế toán bỏ nghề đi chạy Nghĩa Võ, anh kỹ sư điện Huỳnh Thạnh... Ở thế hệ 2000, anh Trung cũng chỉ dạy Trương Văn Tâm, Nghĩa Trần hay Trần Quốc Anh Hào - những người đến với anh như trang giấy trắng nhưng đã đạt sub3 full marathon sau hai năm tập luyện.
"Có lẽ, xuất thân giảng viên thể chất của trường Đại học Hoa Sen khiến tôi khác biệt. Tôi rất mê thể thao, từ hồi phổ thông. Khi thi đại học, bố mẹ muốn tôi học kỹ sư điện, nhưng tôi thi vào ngành giáo viên thể chất của Đại học Sư phạm TP HCM", anh Trung bộc bạch. "Sau này, tôi học thêm thạc sĩ huấn luyện thể thao của ĐH TDTT TP HCM. Đến nay, tôi đã giảng dạy 13 năm. Vì thế, luôn có khao khát của một người thầy trong tôi, muốn truyền đạt những lý thuyết đúng đến người khác".
Với đam mê đó, khuôn viên trường đại học không thể giữ chân Bảo Trung. Năm 2015, anh bắt đầu hướng dẫn kỹ thuật chạy cho các VĐV phong trào và tham gia những giải chạy đầu tiên tại Việt Nam. Đến năm 2018, anh gặt trái ngọt đầu tiên khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Kỹ thuật của Học viện chạy bộ Magic Stride.
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc lớn nhất với anh là khi đứa con tinh thần T-coaching ra đời năm 2019. Khi ấy, với đội ngũ những người gắn bó cùng mình lâu năm, HLV Bảo Trung thành lập một chương trình chạy bộ với tôn chỉ True-Trust-Teamwork, gây dựng uy tín từ những giá trị thực.
"Tôi muốn biến đam mê của mọi người thành giấc mơ có thật. Thật ở đây là giá trị về sức khỏe thể chất và tinh thần", anh Trung nói. "Do từng gặp chấn thương, tôi muốn các bạn được tiếp cận khoa học tốt hơn, được định hướng để phát triển bản thân trên con đường tốt nhất. Trong 7-8 năm làm công việc huấn luyện miễn phí, tôi sẵn sàng tặng các bạn những đôi giày xịn hơn của mình".
Từ vài người ban đầu, sau ba năm hoạt động, T-coaching có hơn 50 HLV, làm việc tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Trong số đó, một nửa có bằng thạc sĩ huấn luyện thể thao. Mỗi tháng, các HLV có trên 1000 giờ làm việc với học viên cá nhân. Nhưng dấu ấn trong cộng đồng chạy bộ của tổ chức còn đến từ khách hàng doanh nghiệp. T-coaching từng hỗ trợ thành lập nhiều CLB chạy tại các công ty, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Bên cạnh phân bổ công việc cho các HLV theo ngày, kiến thức trong ngành sư phạm thể chất đã giúp Bảo Trung xây dựng hệ thống giáo án tại T-coaching. Anh chú trọng nâng cao trình độ cho HLV. Sắp tới, T-coaching sẽ cử 5 HLV tham dự Paris Marathon để học hỏi kinh nghiệm. Anh Trung tiết lộ đã ấp ủ lộ trình hoạt động trong 10 năm tới cho tổ chức.
T-coaching gắn bó với hệ thống giải VnExpress Marathon từ những ngày đầu. Hơn 100 HLV và học viên của tổ chức sẽ tham dự VnExpress Marathon Ho Chi Minh City Midnight 2023 với mong muốn lan tỏa tinh thần sống hết mình, thỏa đam mê cũng như giá trị tích cực của thể thao.
"Tôi nghĩ mọi môn thể thao đều tốt. Nhưng chạy bộ có nét đặc biệt. Lúc bạn một mình hay khó khăn, có thể xỏ giày chạy nhưng nó cũng là môn có tính tập thể. Đến với giải lần này, T-coaching hy vọng góp một màu sắc trong ngày hội" anh nói.
Tuy trả đãi ngộ cho các HLV, Bảo Trung không đặt nặng việc họ có đứng bục hay không. Theo anh, giá trị của race đến từ việc mọi người tập luyện cùng nhau rồi thi đấu nghiêm túc chứ không phải thành tích. Chân chạy gốc Lâm Đồng đề cao những buổi tập, rèn luyện và tinh thần kiên trì. Theo anh, điều đó đại diện cho tinh thần của T-coaching khi mọi HLV đều đến với marathon từ con số 0.
"Tôi thấy mọi người thường chỉ chú ý tới những VĐV đạt thành tích cao. Nhưng tôi ghi nhận những người chạy marathon với kết quả 5-6 hay 7 tiếng. Với tôi, họ mới đáng nể phục. Đó là kết quả của sự bền bỉ, tập luyện nghiêm túc. Đó là tinh thần nguyên thủy của marathon. Tôi hiểu niềm hạnh phúc của họ khi hoàn thành cự ly, dù kết quả không bằng nhiều người", anh nhận xét.
Quỳnh Chi