Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được trình lãnh đạo Chính phủ và đang trong quá trình hoàn thiện để Thủ tướng ký ban hành. VnExpress phỏng vấn kiến trúc sư Phùng Phú Phong, Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, về đồ án này.
- Đồ án điều chỉnh lần này khác với quy hoạch trước đây như thế nào, thưa ông?
- Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch chung gần đây nhất vào năm 2013. Theo Luật Quy hoạch đô thị, sau 5 năm cần rà soát, đánh giá lại để định hưởng phát triển cho phù hợp. Chúng tôi làm đồ án điều chỉnh quy hoạch lần này là sau 7 năm.
Trong quá trình nghiên cứu, đơn vị tư vấn và chính quyền thành phố đã nhận thấy những bất cập trong các giai đoạn phát triển đô thị trước đây, như một số dự báo thiếu chính xác, đặc biệt là dự báo về dân số; việc triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung chưa liên tục, kịp thời, đồng bộ.
Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng chưa đáp ứng do thiếu các hướng dẫn kiểm soát phát triển (tầng cao, mật độ, hệ số sử dụng đất...). Bên cạnh đó, tư duy quy hoạch và phát triển đô thị chưa tiên tiến. Cụ thể là phát triển đô thị theo chiều rộng, dàn trải và lãng phí, chủ yếu là sự tiếp nối các xu hướng phát triển tuyến tính dọc theo các trục giao thông chính; chưa tận dụng tối đa địa hình tự nhiên tạo lập không gian kiến trúc phong phú, đa dạng, bảo vệ thiên nhiên; chưa chú trọng giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Khi phát triển đô thị theo chiều sâu, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn do những khu đất nhìn còn trống nhưng thực chất đã có chủ, dẫn đến khó triển khai những ý tưởng mới về quy hoạch; quỹ đất ở trung tâm còn rất ít, trong khi phần diện tích rất lớn ở huyện Hòa Vang địa hình chủ yếu là đồi núi.
May mắn là đơn vị tư vấn đồ án điều chỉnh quy hoạch chung có kinh nghiệm. Họ hiểu được thực tế của Đà Nẵng và đã đặt vấn đề cảnh quan, sinh thái, môi trường lên cao trong việc tính toán quy hoạch cho đô thị Đà Nẵng trong tương lai. Nếu như trước đây Đà Nẵng phát triển đô thị đơn cực - một trung tâm, thì giờ tư vấn đưa ra định hướng đô thị đa cực, đa trung tâm với các đô thị vệ tinh được kết nối bằng giao thông công cộng để tạo động lực phát triển cho các khu vực khác nhau trong đô thị. Tính toán vấn đề tối ưu hóa sử dụng đất trong đô thị cũng được nghiên cứu và dự báo các nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, đặc biệt đã đưa vào quy hoạch khu vực đất dự trữ phát triển để giữ lại khi cần sẽ có đất để thực hiện ý tưởng mới.
- Đà Nẵng hiện là đô thị loại I, nhưng khi xem xét đồ án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng tương lai không xa "Đà Nẵng sẽ là thành phố loại đặc biệt của Việt Nam". Điều này được thể hiện trong đồ án như thế nào?
- Theo tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, nội dung quy hoạch chung xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ...
Có thể nói, Đà Nẵng trong tương lai sẽ vượt qua khỏi thời "ăn no mặc ấm" để chuyển sang "ăn ngon mặc đẹp". Khi là đô thị loại I thì chúng ta hoàn toàn có quyền hướng đến đô thị đặc biệt. Tuy nhiên phải dựa vào sức phát triển để xây dựng tiêu chí bổ sung, đạt được đô thị đặc biệt một cách bền vững.
Đồ án quy hoạch chung lần này định hướng điều chỉnh giảm dự báo dân số đến năm 2030 còn khoảng 1,79 triệu người; điều chỉnh các chỉ tiêu hạ tầng đô thị đảm bảo quy chuẩn (giao thông, giáo dục, y tế, cây xanh, ....), một số chỉ tiêu được đề xuất vượt quy chuẩn để hướng tới thành phố đáng sống và đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế.
- Hình hài và điểm nhấn TP Đà Nẵng trong 10-20 năm tới sẽ như thế nào, thưa ông?
- Trong 10-20 năm tới, Đà Nẵng sẽ phát triển theo một khung thiết kế đô thị tổng thể, hình ảnh của thành phố được thể hiện rõ qua phương pháp tổ chức không gian. Cửa ngõ có chín vị trí chính, gồm ba cửa ngõ phía bắc, bốn cửa ngõ phía nam, hai cửa ngõ phía tây. Ngoài ra còn các cửa ngõ tại đầu mối giao thông như bến xe liên tỉnh, ga đường sắt, cảng hàng không.
Các trục đô thị chính theo hướng Bắc - Nam dọc theo bờ đông và hai bên sông Hàn; theo hướng đông tây gồm dọc theo Vịnh Đà Nẵng, đường vành đai phía Tây. Các trục cảnh quan là những hành lang xanh chính của thành phố, gồm những đường đi bộ dọc theo Vịnh Đà Nẵng, bờ đông, và hai bên bờ sông Hàn và sông Cu Đê...
Thành phố cũng tạo không gian mở, bằng việc nâng cấp, cải tạo các quảng trường hiện có; phát triển các quảng trường mới gắn với các công viên, hồ nước, trung tâm hành chính, trung tâm thương mại. Đặc biệt, quảng trường trung tâm được đề xuất mở rộng thành một khu vực có diện tích 9 ha nằm giữa sông Hàn, liên kết với bảo tàng, trung tâm hành chính, di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải...
- Khu vực quảng trường trung tâm này vẫn sẽ là trung tâm thành phố?
- Trong tương lai Đà Nẵng sẽ hình thành khu trung tâm thành phố mới trên nền trung tâm hiện hữu, với diện tích khoảng 631 ha. Điều này nhằm xây dựng hình ảnh trung tâm đô thị Đà Nẵng thành một điểm đến kết hợp giữa hiện đại và các địa điểm văn hóa, lịch sử hiện tại được bảo tồn, tích hợp cùng với các khu vực phát triển đô thị, không gian công cộng mới và có mạng lưới giao thông tiếp cận dễ dàng.
Các điểm nhấn đô thị mang tính biểu tượng của thành phố, định hướng không gian và nhận biết cho từng khu vực đô thị được bố trí tại hành lang ven biển và ven sông, các khu vực cửa ngõ, các khu tổ hợp du lịch, vui chơi, giải trí,... như khu Bảo tàng sống tại khu vực xung quanh Đình làng Hải Châu, Trung tâm kinh doanh thương mại tại khu công nghiệp An Đồn và một số điểm nhấn đô thị khác được quy định chi tiết trong quy hoạch phân khu.
- Khu vực đô thị trung tâm hiện nay đối mặt với nhiều vấn đề như quá nhiều nhà phố phân lô, kiệt, hẻm diện tích nhỏ, thiếu thiết chế văn hoá, cây xanh... Giải pháp được Sở Xây dựng đưa ra là gì?
- Trong điều kiện không gian hạn hẹp, dư địa hạn chế đặc biệt là các khu vực đô thị cũ (Hải Châu, Thanh Khê), chúng tôi sẽ hướng phát triển đô thị gắn với tăng mật độ dân cư trên diện tích đất hiện có (đô thị nén) để phát triển thêm các không gian mở, không gian công cộng; tập trung các hoạt động đô thị vào một khu vực nhỏ, đảm bảo các tiện ích đô thị cho người dân trong khu vực trung tâm.
Điều này được thể hiện ở các nội dung như, mật độ cao và đa dạng công năng tạo nên đô thị sầm uất, sống động, nhiều lựa chọn dịch vụ; giải phóng các khu dân cư thấp tầng, kiệt hẻm thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu, không đảm bảo an toàn; thay thế bằng các cụm chung cư cao tầng cùng với việc bổ sung tiện ích đô thị như khuôn viên cây xanh, bãi đỗ xe...
Thêm vào đó, chúng tôi định hướng phân bố hợp lý các khu vực trung tâm (bao gồm trung tâm thương mại, vui chơi giải trí), bổ sung các không gian tiện ích, các dịch vụ, công trình phúc lợi xã hội như trường học, cơ sở khám chữa bệnh, siêu thị. Điều này giúp bán kính di chuyển ngắn sẽ làm tăng khả năng sử dụng xe đạp, đi bộ, giảm phương tiện cơ giới cá nhân, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm ô nhiễm.
Chúng tôi cũng khuyến khích khả năng sáng tạo kiến trúc với các công trình theo phong cách kiến trúc xanh, bền vững để tạo không gian đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với các loại hình sử dụng; tạo nên không gian có mật độ tập trung cao độ các loại hình dịch vụ, tạo điều kiện thu hút các thương hiệu tầm cỡ quốc tế với các khu trung tâm thương mại quy mô lớn.
- Bên cạnh định hướng đưa khu vực trung tâm thành đô thị nén, đồ án lần này quy hoạch cấu trúc cảnh quan thành phố như thế nào?
- Thuận lợi với Đà Nẵng trong điều chỉnh quy hoạch là thành phố có quy mô vừa, dễ triển khai các ý tưởng quy hoạch cũng như trong quản lý; quy hoạch của Đà Nẵng cũng khá ổn, khá bài bản từ trước đến nay, từ hạ tầng đến phát triển không gian.
Thành phố cũng có điều kiện tự nhiên mà hiếm đô thị nào có được, với rừng, núi, biển và sông Hàn chảy qua lòng thành phố.
Theo định hướng phát triển không gian đô thị lần này, Đà Nẵng sẽ được cấu trúc thành ba vùng đô thị đặc trưng dựa trên các đặc điểm và tài nguyên thiên nhiên của thành phố. Các vùng này được tổ chức thành mười phân khu với những đặc tính và chức năng riêng biệt.
Trong đó, vùng ven mặt nước sẽ gồm các phân khu ven sông Hàn và bờ đông (khu vực đô thị ven biển Đông tại quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn đến giáp Quảng Nam), ven Vịnh Đà Nẵng và cảng biển Liên Chiểu.
Vùng lõi xanh là phân khu công nghệ cao, trung tâm lõi xanh, khu đổi mới sáng tạo và sân bay.
Vùng sườn đồi là phân khu đô thị sườn đồi, khu nông nghiệp ứng dụng cao và khu dự trữ phát triển.
Ngoài mười phân khu kể trên, để tối ưu hóa tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhấn mạnh bản sắc của Đà Nẵng là một thành phố xanh và bền vững, một vùng sinh thái được xác định và tổ chức thành hai phân khu sinh thái, với phía tây là vùng đồi núi từ Bạch Mã Hải Vân đến xã Hoà Khương của huyện Hoà Vang; khu sinh thái phía đông gồm huyện đảo Hoàng Sa và bán đảo Sơn Trà.
- Để chống lợi ích nhóm trong lập và thực hiện quy hoạch, theo ông cần xây dựng những cơ chế giám sát ra sao?
- Lợi ích nhóm liên quan đến quy hoạch thực chất là điểu chỉnh dự án để tăng lợi ích đầu tư. Bây giờ, khi nhà đầu tư muốn điều chỉnh quy hoạch thì phải đáp ứng đúng các quy định, trong đó chủ đầu tư được yêu cầu phải tính toán nghĩa vụ tài chính phát sinh, làm lại đánh giá tác động môi trường... Quy định hiện nay khá chặt chẽ, việc điều chỉnh quy hoạch không còn dễ như trước đây, nên hy vọng sẽ giảm bớt được lợi ích nhóm.
Khi Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch chung, sẽ có quy định về quản lý được ban hành kèm theo. Đây là cơ sở để quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch được duyệt. Thêm vào đó, Thủ tướng cũng giao cho thành phố và Bộ Xây dựng nghiên cứu cơ chế giám sát đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quy hoạch được duyệt.
Sau quy hoạch, chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho thành phố ban hành quy định quản lý kiến trúc theo Luật Kiến trúc. Nhưng quan trọng hơn, bên cạnh sự giám sát của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân, theo tôi là cần công khai đồ án điều chỉnh quy hoạch để người dân theo dõi, đóng góp ý kiến trong quá trình thành phố thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe và bổ sung kịp thời vào các quy hoạch ở các bước tiếp theo.
Kiến trúc sư Phùng Phú Phong, 45 tuổi, tốt nghiệp đại học và lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành quy hoạch đô thị tại ĐH Kiến trúc TP HCM. Ông cũng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lĩnh vực quy hoạch tại ĐH Westminster, London (Anh). Ông hiện là Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Nguyễn Đông