Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 13h vị trí tâm áp thấp trên đất liền ven biển các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 12h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão, vùng ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa trong chiều nay có gió giật cấp 6-8; trên Vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2-3 m, biển động.
Khu vực giữa và Nam Biển Đông bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau bao gồm huyện đảo Phú Quý trong chiều và đêm nay có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh.
Tại TP Thanh Hoá lúc 15h30, trời chỉ còn mưa rải rác, ngưng gió. Các hoạt động giao thông, thương mại ở các tuyến phố lớn như đại lộ Lê Lợi, Lê Hoàn, Lê Hữu Lập, chợ Vườn Hoa... trở lại bình thường.
Theo ghi nhận ban đầu, bão Sinlaku không gây thiệt hại đáng kể sau khi đổ bộ vào đất liền Thanh Hoá, Ninh Bình; số ít cành cây già, loại nhỏ hay hoa màu thấp thân yếu như ngô đồng, chuối hoặc mía bị gãy đổ, hiện chưa có thống kê chi tiết từ cơ quan chức năng.
Nhiều người dân ở TP Thanh Hóa cho hay, không cảm nhận được rõ ràng sức gió khi bão đến. "Hơn 13h, tôi thấy vài cơn gió rít cỡ cấp 3-4 ngang qua, sức gió chỉ có thể thổi bay vài tấm bạt tạm bợ như một trận giông nhẹ", ông Hoàng Văn Sang, ở phường Đông Hương, TP Thanh Hoá nói. Dự định chiều nay nghỉ làm một hôm song nghe tin bão tan sớm, ông Sang đang cùng gia đình dọn hàng bán bia và đồ nhậu phục vụ khách.
Tại Nghệ An, gần 14h ngày 2/8, thị xã Hoàng Mai (giáp Thanh Hóa) trời ngừng mưa, mây đen vơi bớt, gió lất phất. Trên bãi biển Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) sóng vẫn cuộn cao, nhiều ki ốt mở cửa, song vắng người qua lại.
Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, nói bão Sinlaku không ảnh hưởng trực tiếp tới Nghệ An. Hiện nhiều khu vực trên địa bàn lượng mưa đã giảm, chưa ghi nhận thiệt hại.
Từ đêm 31/7 đến nay, tại Cửa Hội (Nghệ An) ghi nhận lượng mưa 224 mm; thành phố Vinh 211 mm; các nơi khác trên địa bàn từ 50 đến hơn 100 mm.
Những cơn mưa do ảnh hưởng hoàn lưu bão Sinlaku được ví như "mưa vàng giải nhiệt" cho Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung Bộ, bởi khu vực này đang hứng chịu đợt hạn hán kéo dài nhiều tháng nay.
Tại Hải Phòng, do ảnh hưởng của bão Sinlaku, mưa lớn kéo dài nhiều giờ, gây ngập lụt hàng loạt tuyến phố, một số cây xanh trên đường phố bị đổ.
Đến 18h ngày 2/8, trời vẫn mưa trong khi các tuyến phố Cầu Đất, Nguyễn Khuyến, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Phủ Thượng Đoạn, Bạch Đằng... đã ngập gần nửa mét gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Nhiều xe máy, ôtô chết máy phải nhờ đến sự trợ giúp của đội sửa chữa xe lưu động và xe cứu hộ. Hàng trăm cửa hàng mặt phố bị nước tràn vào buộc phải đóng cửa.
Trên đường Bạch Đằng, cách trụ sở UBND phường Thượng Lý (quận Hồng Bàng) hơn 100 m, một cây xà cừ lớn bị bậc gốc, đổ ngang đường nhưng may mắn không xảy ra tai nạn.
Sinlaku là cơn bão thứ hai ở biển Đông trong mùa mưa bão năm nay. Bão đầu tiên tên Nuri hình thành ngày 13/6, đi vào tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam, năm nay biển Đông có thể xuất hiện 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, một nửa số đó ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão mạnh tập trung ở Trung và Nam Bộ trong những tháng cuối năm 2020.