Lúc 4h ngày 2/8, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão Sinlaku đang ở cách bờ biển các tỉnh Thái Bình - Nghệ An khoảng 120 km về phía Đông Nam. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 (75 km/h) khoảng 130 km, tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km mỗi giờ, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16h ngày 2/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới 50 km/h, mạnh cấp 6, giật tăng hai cấp.
Sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Đài Hong Kong cũng dự báo bão theo hướng Tây Tây Bắc, đổ bộ vào khu vực từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh vào đầu giờ chiều nay với sức gió 55 km/h. Đến 15h, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sức gió tối đa 40 km/h. Áp thấp nhiệt đới sau đó đi hơi chếch về hướng Bắc và thành vùng áp thấp ở khu vực Thượng Lào.
Đánh giá về khả năng gió mạnh, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới là phía Bắc vĩ tuyến 17, phía Tây kinh tuyến 110. Tàu thuyền ở giữa và Nam biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Vịnh Bắc Bộ (gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 3-4 m, biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7; vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật tăng hai cấp.
Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng có gió giật từ cấp 6-8. Ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thái Bình khả năng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 3 đến 3,5m.
Do hoàn lưu trước bão kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, từ hôm nay đến 5/8, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa rất to với lượng phổ biến 200-300 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt.
Từ nay đến ngày 5/8, miền Bắc có mưa giông với lượng 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt. Riêng Hà Nội, từ nay đến ngày 3/8 có mưa rất to với lượng mưa 150-250 mm/đợt, trong đó ngày và đêm nay lượng mưa khoảng 40-80 mm trong 24h.
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn gần hai ngày qua khiến nhiều tuyến đường ở thành phố Hà Tĩnh ngập nặng. Sáng 2/8, nhiều đoạn trên đường Hải Thượng Lãn ông, Lê Ninh, Lê Duẩn, Nguyễn Du... ngập sâu hơn nửa mét. Một số ôtô, xe máy đi qua các tuyến đường này bị chết máy, chủ xe phải xuống đẩy bộ hoặc gọi thợ sửa ôtô lưu động đến khắc phục.
Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an thành phố Hà Tĩnh đã cử 12 cán bộ đi khảo sát, đặt nhiều biển cảnh báo trên các tuyến đường ngập, hỗ trợ người tham gia giao thông.
"Lúc 7h cùng ngày lái xe máy đi qua đường Hải Thượng Lãn Ông bị nước ngập chết máy, tôi phải dắt bộ hơn 500 m tìm chỗ sửa", anh Trần Hà, 35 tuổi, ở phường Trần Phú nói.
Một số huyện khác như Hương Khê, Đức Thọ, Hương Sơn... cũng xảy ra mưa lớn. Lo ngại sạt lở ở tuyến đường Phúc Trạch - Hương Liên, khi hai hôm nay đất đá ở hai bên mái taluy dương liên tục tràn xuống, nhà chức trách huyện Hương Khê đã dựng biển cấm người và phương tiện qua lại, người dân buộc phải di chuyển trên huyện lộ 5 hoặc các tuyến đường liên xã để ra trung tâm thị trấn.
Theo Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Sinlaku, hôm nay (2/8) Hà Tĩnh tiếp tục mưa lớn, tổng lượng mưa cục bộ có nơi trên 500 mm; vùng biển gió cấp 6-7.
Sinlaku là cơn bão thứ hai ở biển Đông trong mùa mưa bão năm nay. Bão đầu tiên tên Nuri hình thành ngày 13/6, đi vào tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam, năm nay biển Đông có thể xuất hiện 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, một nửa số đó ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão mạnh tập trung ở Trung và Nam Bộ trong những tháng cuối năm 2020.