Sáng 2/8, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho hay đến 5h hôm nay, hơn 7.200 tàu thuyền với gần 26.400 lao động địa phương đã vào bờ tránh trú an toàn trước khi bão Sinlaku đổ bộ.
Tại thành phố Sầm Sơn, các tàu thuyền công suất lớn được đưa vào Lạch Hới neo đậu, còn những chiếc thuyền hay bè mảng nhỏ thì người dân đẩy lên bờ, cách xa mép nước.
Một phần vỉa hè và lòng đường Hồ Xuân Hương (dài khoảng 200 - 300 m) tại các khu vực bãi tắm A, C được trưng dụng làm nơi để thuyền bè và ngư lưới cụ. Phần lòng đường, chính quyền vẫn dành chỗ để phương tiện giao thông đi lại bình thường dù có đoạn tầm nhìn bị hạn chế.
"Bão có thể không lớn song để an toàn, suốt chiều tối và đêm qua chúng tôi đã đẩy hết bè mảng lên đường và chằng buộc cẩn thận", ngư dân Nguyễn Văn Hoàn ở phường Trường Sơn, nói.
Sáng nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh dọc hai bên đường Hồ Xuân Hương đã đóng cửa. Chỉ còn một vài nhà hàng nhỏ vẫn chào mời khách song rất ít người ngồi ăn uống.
Đêm qua và sáng nay, tại Thanh Hoá có mưa rào trên diện rộng, gió nhẹ. Khoảng 9h tại Sầm Sơn trời hửng nắng, ngớt mưa, dù có lệnh cấm biển song một số du khách vẫn ra nhảy sóng, chụp ảnh hoặc đá bóng. Lực lượng chức năng dùng còi ra hiệu yêu cầu họ quay vào nhà.
Vài nhóm du khách khác còn cố tình leo lên mỏm đá gần đền Độc Cước khiến công an phải đến tận nơi nhắc nhở.
Tại Nghệ An, sáng 2/8, tất cả 3.488 tàu thuyền, hơn 17.000 lao động trên địa bàn đã vào các điểm tránh trú. Tại bến cá ở xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu), trời mưa xối xả. Chủ tàu Lê Văn Hà, 48 tuổi, vội vàng nhập hơn 3 tạ mực, gần một tấn cá đuối, cá thèn cho các thương lái.
"Tôi đi tàu 450 CV đánh bắt, hai hôm trước đang ở ngoài khơi cách bờ 100 hải lý thì nhận được tin bão, phải quay đầu. Chuyến này coi nhữ lỗ, song vì an toàn trở về tránh bão là cần thiết", anh Hà nói và cho biết theo kinh nghiệm đi biển nhiều năm thì lần này Nghệ An chỉ ảnh hưởng gió nhẹ khi bão vào bờ.
Tại cảng cá phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai), gần 200 tàu công suất các loại được ngư dân neo cẩn thận. Ông Hoàng Hải, 52 tuổi, chủ tàu quê Quảng Trị đang chuyển các bình nước ngọt vào khoang tàu, đợi bão tan sẽ ra khơi.
"Chuyến này được gần 3 tấn cá thu, khi cập bến đã bán được 300 triệu đồng chưa trừ chi phí", ông Hải nói, cho hay 3 ngày trước, tàu công suất 1.000 CV đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì nhận được tin bão nên vào đây trú.
Một số quầy hàng dọc bãi tắm Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai và huyện Diễn Châu, sáng nay vẫn mở cửa, đặt biển đón khách. Khu dân cư gần bãi biển, người dân đi chợ và sinh hoạt bình thường.
"Qua loa phát thanh của địa phương thì thấy cơn bão này nhỏ", bà Hoàng Thi Lan, chủ nhà hàng ven biển nói. Trưa nay, biển Hoàng Mai sóng cao gần một mét, mưa giông từng đợt, gió nhẹ.
Ông Nguyễn Trường Thành- Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Nghệ An cho biết, lúc 22h ngày 1/8 Nghệ An đã cấm biển. Theo kịch bản, nếu nước biển dâng cao một đến 3 m, toàn tỉnh sẽ di dời hơn 16.000 người ven biển, song tới lúc này Nghệ An "chưa sử dụng tình huống này".
Ban chỉ huy phòng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các công ty thủy lợi sẵn sàng vận hành trạm bơm tiêu, bảo vệ lúa và hoa màu, khu vực nuôi trồng thủy sản khỏi ngập. Với các huyện miền núi và trung du phải rà soát dân cư sống ven sông, suối, điểm có nguy cơ sạt lở và lũ quét để sẵn sàng di dời khi có mưa lớn.
"7.500 ha lúa sắp chết khô trong tổng số 88.000 ha lúa vụ hè thu và mụ mùa đã được cứu. Hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt do giêng khô cũng sẽ được cải thiện sau trận mưa này", ông Thành nói.
Tại Hà Tĩnh, dù bão Sinlaku không đổ bộ, song do ảnh hưởng của hoàn lưu nên mưa lớn từ rạng sáng 1/8 đến nay.
Sáng 2/8, hàng chục hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Hộ Độ, huyện Lộc Hà đã chuẩn bị thuyền, xô chậu, để đến đầu giờ chiều vận chuyển hàng chục tấn cá vào ao nuôi ở trong đê để tránh bị nước cuốn.
"Tôi nuôi hơn một tấn cá gồm mè kẻ và hồng mỹ ở trong 6 ô lồng trên sông Hộ Độ. Việc chuyển cá vào trong đê còn giúp tránh bị sốc nước dẫn đến chết", ông Nguyễn Xuân Huy, trú xã Thạch Hạ, huyện Lộc Hà nói. Hiện tổ hợp tác nuôi cá lồng bè ở xã Thạch Hà có hơn 30 hộ tham gia, với khoảng 100 ô lồng.
Tại các huyện vùng biển như Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, hai ngày qua, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân địa phương và ngoại tỉnh đánh bắt trên vùng biển Hà Tĩnh đã về neo đậu an toàn tại âu thuyền ở cảng Cửa Sót, Xuân Hội, Cửa Nhượng để tránh bão.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, những trận mưa lớn vừa qua đã bổ sung nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp sau hơn hai tháng nắng nóng kéo dài. Tại các huyện như Hương Khê, Kỳ Anh, Đức Thọ - nơi có nhiều người dân thiếu nước sinh hoạt, nay được giải "cơn khát"; hàng nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả đặc sản như cam, bưởi Phúc Trạch đã được "cứu" khi gần bước vào vụ thu hoạch.
Đề phòng mưa lớn gây ra lũ lụt ở vùng núi, đảm bảo an toàn cho công trình hạ du, từ 10h ngày 2/8, nhà máy thủy điện Hố Hô, giáp ranh hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã xả tràn, lưu lượng 100-500 m3/giây.
Lúc 10h ngày 2/8, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay vị trí tâm bão ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 22h ngày 02/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào.