Chiều 25/10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, bão Saudel tan trên biển do chịu tác động của không khí lạnh khô, nhiệt độ nước biển thấp. Hiện sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 đến 50 km/giờ), so với bão Saudel sáng nay giảm ba cấp
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 km, vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Chiều cùng ngày, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, sóng biển cao từ 2 đến 3 m, biển động. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150 mm mỗi đợt, có nơi trên 200 mm.
Hiện bão Molave cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 230 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất 100 km/h, tăng hai cấp so với sáng 25/10, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Hai ngày tới, bão di chuyển hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, vào Biển Đông và tiếp tục mạnh lên cấp 11.
Đài Nhật Bản ghi nhận trưa nay, bão Molave có sức gió 166 km/h, tăng lên 185 km/h vào sáng 26/10, hướng vào Biển Đông.
Tối 25/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhận định, ngày mai (26/10) bão Molave sẽ vào Biển Đông, dự báo bão di chuyển nhanh, cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng, gây mưa to đến rất to tại các tỉnh Trung Bộ.
Các tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận được yêu cầu thường xuyên theo dõi thông tin về bão, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển, tránh trú; hướng dẫn tàu vận tải, tàu vãng lai neo đậu tại các cảng; triển khai chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị.
Các địa phương cần chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài; sẵn sàng phương án sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Nếu tính cả bão Molave, tháng 10 năm nay có 4 cơn bão, một áp thấp nhiệt đới, bằng tháng 10/1993, tháng nhiều bão và áp thấp nhiệt đới nhất trong chuỗi số liệu ngành khí tượng Việt Nam ghi nhận. Tất cả đều phát triển từ những xoáy thấp trong dải hội tụ nhiệt đới nối từ vịnh Bengal, qua miền Trung, tới vùng biển Philippines.
Từ ngày 6 đến ngày 25/10, thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ đã làm 130 người chết, tăng 7 người so với hôm qua; 18 người mất tích, bao gồm 12 người bị sạt lở đất vùi lấp ở thủy điện Rào Trăng 3.
Tất Định