Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF), sau khi vượt qua quần đảo Hoàng Sa, bão Saudel tiếp tục đi chậm, giảm một cấp (hiện cấp 9) so với chiều qua do chịu tác động của không khí lạnh khô, nhiệt độ nước biển thấp.
Hôm nay, bão duy trì hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km, đến 16h sức gió giảm còn 75 km/h, cấp 8. Khoảng 1h sáng 26/10, bão lúc này đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.
Hôm nay, vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sóng biển cao từ 2 đến 4 m, biển động mạnh.
Đài Nhật Bản ghi nhận sáng nay sức gió mạnh nhất gần tâm bão 92 km/h, tiếp tục giảm dần xuống còn 80 km/h vào chiều nay; khi áp sát đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đài Hải quân Mỹ ghi nhận sáng nay gió bão mạnh 90 km/h, đến 13h chiều giảm còn 80 km/h và trước khi đổ bộ giảm còn áp thấp nhiệt đới (dưới 75 km/h).
Đánh giá về khả năng gây mưa, đài NCHMF dự báo từ hôm nay đến ngày 26/10, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50 đến 150 mm mỗi đợt, có nơi trên 200 mm.
Hiện, áp thấp nhiệt đới ở phía Đông miền Trung Philippines đã mạnh lên thành bão, với sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8, tên quốc tế là Molave. Trong 24 giờ tới, bão Molave theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và tiếp tục mạnh thêm.
Cơ quan khí tượng Việt Nam nhận định, hai ngày tiếp theo bão Molave chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 đến 25 km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đây là cơn bão thứ 9 vào Biển Đông trong năm nay.
Nếu tính cả bão Molave, tháng 10 năm nay có 4 cơn bão, một áp thấp nhiệt đới, bằng tháng 10/1993, tháng nhiều bão và áp thấp nhiệt đới nhất trong chuỗi số liệu ngành khí tượng Việt Nam ghi nhận. Tất cả đều phát triển từ những xoáy thấp trong dải hội tụ nhiệt đới nối từ vịnh Bengal, qua miền Trung, tới vùng biển Philippines.
Từ ngày 6 đến ngày 24/10, thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ đã làm 123 người chết, 19 người mất tích, bao gồm 13 người bị sạt lở đất vui lấp ở thủy điện Rào Trăng 3.
Lũ trên các sông tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và các sông ở bắc Quảng Bình đã xuống dưới báo động một.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây còn 15 điểm sạt lở gây ách tắc. Quốc lộ 12A (đoạn Khe Ve - Cha Lo) tỉnh Quảng Bình, quốc lộ 9B (đường Hồ Chí Minh nhánh Tây - Chút Mút), quốc lộ 9C, quốc lộ 9E, quốc lộ 15 vẫn còn một số điểm sạt lở chưa được khắc phục.
Tất Định