Tại Hà Tĩnh, ngày 25/10, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân địa phương và ngoại tỉnh đánh bắt trên biển đã về neo đậu tại âu thuyền ở cảng Cửa Sót (Lộc Hà), Xuân Hội (Nghi Xuân), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) để tránh bão Saudel.
Đại tá Hoàng Viết Dũng, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, cho biết đã điều động 3 tàu cứu hộ đang neo đậu ở sông Lam, huyện Nghi Xuân cùng 12 cano, sẵn sàng tham gia ứng phó các tình huống khẩn cấp khi bão đổ bộ.
Theo Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, ông Trần Đức Bá, do ảnh hưởng của bão, vùng biển Hà Tĩnh tối nay gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9 và 10, sóng cao từ 2 - 4 m, biển động mạnh. Tổng lượng mưa 50-100 mm mỗi đợt.
Từ đêm 24/10, người dân vùng ven biển huyện Lộc Hà đã cảm nhận được ảnh hưởng của bão khi có gió mạnh cấp 5 đến cấp 6. Sáng nay, người dân bắc thang trèo lên mái nhà để chằng chống nhà cửa, đặt các bao cát lên mái tôn đề phòng gió thổi tốc mái nhà khi bão đổ bộ.
Ở xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà), bà Lê Thị Phú ngày bốn lượt ra thăm, gia cố lại bờ ao nuôi cá. Bốn ngày trước, bà di chuyển cá lồng từ sông Hộ Độ vào ao nuôi trong đê, song nước dâng cao khiến hơn một tạ cá chim bị trôi, sốc nước chết sạch, mất trắng 50 triệu đồng.
"Tui rối bời, căng thẳng, hai đêm nay không ngủ được. Lụt còn chưa qua, bão đã ập đến", bà Phú lo lắng trong ao còn hơn 2.000 con cá mú, cá vược sắp thu hoạch. Nếu bị bão dập, không biết lấy kinh phí đâu ra để bù lỗ. Hiện tổ hợp tác nuôi cá lồng bè ở xã Thạch Hà có hơn 30 hộ tham gia, với khoảng 100 ô lồng.
Đợt mưa lũ vừa qua, Hà Tĩnh ghi nhận 6 người chết, 118 xã bị ngập với hơn 42.000 hộ và hơn 151.200 người. Ngoài ra, 132 ha lúa mùa, hơn 2.000 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng và thiệt hại. Nhiều công trình giao thông ở huyện Kỳ Anh, Hương Khê, TP Hà Tĩnh hư hỏng.
Quảng Bình chiều 25/10 mưa lác đác, trời chuyển lạnh, gió nổi lớn. Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 7h sáng nay, toàn bộ hồ chứa trên địa bàn đã đạt 100% dung tích thiết kế. Trong đó, 4 hồ chứa nguy cơ mất an toàn, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các phương án ứng phó.
Toàn tỉnh có 68 điểm có nguy cơ sạt lở, phải di dời hơn 700 hộ dân. Hơn 6.500 tàu thuyền đã về neo đậu tại bến cảng, âu thuyền.
Sáng nay, nước lũ rút, để lộ nhiều ngôi nhà ở làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ nằm bên bờ sông Kiến Giang vỡ nát "như dính bom thời chiến". Người dân khẩn trương dọn dẹp, đi nhận mì tôm, gạo cứu trợ để còn về chống bão.
Ngồi trong ngôi nhà bị sóng vỗ vỡ tan vách tường sau, thổi bay mái ngói trước, lão nông Phạm Hải Vui nói "giờ bão vào tôi cũng đành kệ, bởi không còn chi để mà giữ nữa, thả tay thôi". Toàn bộ đồ đạc trong nhà ông đã hỏng, quần áo, chăn màn giăng mắc khắp nhà, ông hong cho mau khô để bão vào, vợ chồng còn đưa con dâu, cháu nội di tản đến xin trú nhờ nhà kiên cố trong thôn.
Sống cách nhà ông Vui hơn 10 km, cô con dâu thứ Lê Thị Lệ Thuỷ ở thôn Thạch Bàn, xã Phú Thuỷ nghe tin hai cơn bão nối nhau đổ bộ, đã đi mua ngay túi nylon loại dày, bơm đầy nước, cột lại để chắn mái nhà chống bay miếng tôn. Chị đẵn thêm tre, thanh gỗ còn chắc chắn buộc lại chuồng heo, chuồng gà, sạc đầy bình ắc quy phòng mất điện. Người phụ nữ 34 tuổi mua thêm hai bao gạo, để nếu nước lũ dâng cao còn nấu cơm cho hàng xóm đến trú nhờ ăn. Nhà chị đổ mái bằng, xây kiên cố, thường đón hàng chục người đến ở nhờ khi nước lũ dâng.
"Chỉ trông cho bão tan trên biển, chừ bão lũ dồn dập, dân khổ quá rồi ", chị cầu mong.
Cùng ngày, Quảng Trị đang có mưa nhỏ. 124 hồ chứa nước trên toàn tỉnh đạt dung tích trữ, một số hồ điều tiết xã lũ, các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước. Địa phương huy động các lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa, gia cố các tuyến đê bao, kè biển bằng bao cát, rọ đá hạn chế sức tàn phá của sóng biển. Hơn 2.300 tàu thuyền đi biển đã vào bờ neo đậu.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nói sẽ kiên quyết di dời những hộ dân ở khu vực núi có nguy cơ sạt lở, người dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
"Rút kinh nghiệm từ đợt lũ vừa rồi, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng tàu thuyền, ca nô và các lực lượng trực gác ở những điểm xung yếu để phòng tránh, cứu người trong bão", ông Đồng thông tin.
Trước đó vào chiều 23/10, ông Bùi Công Khai (54 tuổi, trú xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đi phụ giúp chặt cây chống bão Saudel cho một hộ dân ở thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) bị ngã xuống nền, chấn thương sọ não, vỡ xương chậu, gãy xương sườn, gãy tay và chân. Người đàn ông này đang được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Sáu tỉnh duyên hải miền Trung, đặc biệt là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị chịu ảnh hưởng của đợt thiên tại khốc liệt kéo dài từ đầu tháng 10 đến nay. Mưa lũ làm 119 người chết, 21 người mất tích, 37.500 ngôi nhà hư hỏng.
Bão Saudel dù suy yếu vẫn mạnh cấp 9, được dự báo thành áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, lúc 1h sáng 26/10. Theo sau là bão Molave đang mạnh lên, tiến vào Biển Đông.
Nếu tính cả bão Molave, trong tháng 10 đã có 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới, bằng tháng 10/1993 - thời điểm nhiều bão và áp thấp nhiệt đới nhất trong chuỗi số liệu ngành khí tượng Việt Nam ghi nhận.
Hoàng Phương - Đức Hùng - Hoàng Táo