Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
(NCHMF), thông tin lúc 7h sáng 26/10, bão Molave đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão thứ 9 và là cơn bão thứ 4 trong tháng 10 năm nay, với sức gió mạnh nhất 135 km/h, cấp 12.
"Chúng tôi đã thảo luận với các chuyên gia đài khí tượng Nhật Bản và có chung đánh giá bão Molave di chuyển nhanh, cường động mạnh ảnh hưởng đến khắp khu vực Biển Đông, trọng tâm đổ bộ vào các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định", ông Khiêm nói.
Các đài Nhật Bản và đài Hải quân Mỹ nhận định bão đạt cấp 14 trên Biển Đông, giảm hai cấp khi vào ven bờ.
Theo ông Khiêm, bão duy trì theo hướng Tây, đi thấp, không chịu tác động của không khí lạnh nên sẽ không hạ cường độ như bão Saudel. Phạm vi ảnh hưởng của bão rộng từ Bắc đến Nam Trung Bộ, địa hình thoáng; trong khi đó khu vực miền Trung vừa chịu tổn thương kéo dài do mưa lũ vì vậy bão Molave có thể sẽ gây thiệt hại rất nặng nề.
"Cơn bão này gió mạnh cấp 8 đến cấp 9, có thể còn vào đến khu vực Tây Nguyên", ông Khiêm nói.
Từ chiều mai, vùng biển ven bờ từ Nam Nghệ An đến Phú Yên bắt đầu ảnh hưởng giông lốc, gió mạnh. Hoàn lưu bão Molave sẽ ngây mưa lớn từ phía Nam tỉnh Nghệ An đến Phú Yên, với lượng mưa từ 200 đến 400 mm. Đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể mưa kéo dài đến 31/10 với tổng lượng mưa từ 500 đến 700 mm. Lũ trên các sông miền Trung sẽ lên mức báo động 2 đến báo động 3. Miền núi nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Đến sáng 28/10, dự báo bão sẽ cách bờ biển Quảng Ngãi, Bình Định khoảng 200 km, gió mạnh cấp 13, giật cấp 15. Trên biển sóng lớn cao từ 8 đến 10 m, ven bờ từ 5 đến 7 m.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng phòng chống thiên tai cho hay, nếu đúng như dự báo, theo kịch bản ứng phó, 7 tỉnh tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định sẽ phải sơ tán hơn 1,2 triệu dân.
Trên vùng biển các tỉnh có tổng số khoảng 65.000 tàu thuyền, hiện cơ quan chức năng đã thông báo được cho 45.000. Khu vực này có hơn 14.000 ha nuôi trồng thủy sản với 179.000 lồng bè. Hồ chứa thủy điện, hồ thủy Lợi từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đang xả để đón lũ.
"Cơn bão này quá lớn, trong tối mai, các địa phương cần kiểm đếm xong tàu thuyền, cương quyết cấm biển, không cho người dân ở lại lồng bè", ông Hoài nói.
Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 368.000 người và hơn 3.000 phương tiện ứng phó bão, cứu hộ người dân.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh để ứng phó bão Molave sáng 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Chúng ta đang ở tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ, đặc biệt là ở miền Trung. Nếu cấp gió 12 như dự báo, sau bão là mưa lũ sẽ thiệt hại vô cùng lớn. Các tỉnh không được mất cảnh giác, phải chủ động phòng tránh tốt nhất".
Ông yêu cầu các lực lượng tiếp tục hỗ trợ người dân miền Trung, không để ai phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất"; kiên quyết di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, vùng trũng thấp và nơi có nguy cơ sạt lở; sớm đưa tàu thuyền vào bờ, chằng chống nhà cửa.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương không tổ chức các cuộc họp, ngoại trừ họp nội dung quan trọng, để tập trung ứng phó với bão lũ.
Từ ngày 6 đến ngày 25/10, thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ đã làm 130 người chết, tăng 7 người so với hôm qua; 18 người mất tích, bao gồm 12 người bị sạt lở đất vùi lấp ở thủy điện Rào Trăng 3.
Tất Định