Sau những vụ hành hạ trẻ em liên tiếp xảy ra gây chấn động dư luận, Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về vấn nạn bạo lực trẻ em ở Việt Nam hiện nay.
Lại thêm mấy vụ hành hạ trẻ em được đưa ra ánh sáng. Người giúp việc đánh trẻ nhỏ mới mấy tháng, các cô bảo mẫu đánh trẻ lên ba, dùng dao hăm dọa. Người giúp việc thì không có tay nghề trong việc chăm sóc trẻ, còn các cô bảo mẫu có bằng cấp hẳn hoi thì vẫn cứ đánh trẻ.
Những vụ này không mới, cứ xảy ra hoài, xảy ra mãi, mấy năm trước đã khui ra, đã ra toà, đã lên cả chương trình Táo Quân đêm giao thừa, tới nỗi "Ngọc Hoàng" cũng bị đem ra đánh tơi tả để "dạy dỗ". Cái việc "dạy dỗ" ấy cũng là lời biện hộ mà những người bị bắt đưa ra. Đánh hay doạ bé là bởi vì các bé khóc nhiều, không ngoan, không chịu ăn, tè dầm...
(Xem thêm: Treo trộm chó 16 tuổi lên cột điện: Người lớn bất lực?)
Nếu như chúng ta lấy mấy chữ "người giúp việc", "bảo mẫu" đó mà thay bằng "các mẹ", "cha của bé" thì các bé vẫn sẽ bị đau, thương tích, sợ hãi, nhưng lúc này chắc ít ai đòi đem các vị ấy ra công an. Ở chiều ngược lại, nếu ta lấy "bé mấy tháng tuổi", "trẻ lên ba" mà thay bằng "các em học sinh" thì có lẽ là các thầy cô cần được thông cảm, hay là cha mẹ nên bảo các thầy cô đánh thêm nữa, cho các em nên người.
Cái khác nhau trong các câu chuyện ở trên chỉ là vai trò của người đánh và tuổi của kẻ bị đánh. Còn một cái khác nữa có lẽ là mức độ của cái sự đánh. Cha mẹ thì chắc là đánh ít hơn, nhưng không phải ai cũng vậy, khối bậc cha mẹ bị bắt vì "dạy dỗ" con tới gãy cả chân tím cả người. Và đánh những đứa trẻ lớn tuổi hơn thì thương tích không nhiều, chả sao cả.
(Xem thêm: Hậu quả của việc dùng bạo lực để 'thuần hóa' con cái)
Thói quen dùng bạo lực trong việc giáo dục con trẻ vẫn hiển hiện ở Việt Nam. Trong một số trường hợp thì nó là bạo lực có tổ chức, tức là cha mẹ sẽ nêu rõ tội trạng rồi mới đánh. Trong rất nhiều trường hợp thì chỉ là cha mẹ nổi nóng, quát mắng, rồi thì lấy roi ra quất hay là cứ thế mà bạt tai, đấm đánh... Ở Việt Nam thì đi tới đâu cũng sẽ gặp một vài chuyện như vậy.
Khi mà phần đông dân số Việt Nam cho rằng đánh đập trẻ để dạy dỗ là chấp nhận được, thì cái ranh giới mà người ta cần phải xác định là đánh như thế nào thì được còn như thế nào thì không? Nếu có ai đã học qua chương trình cao đẳng mẫu giáo chẳng hạn, chắc họ cũng biết là không hề có một bài học như vậy. Giáo dục chính thức không có chương nào chỉ dạy các thầy cô hay bảo mẫu là nên đánh thế nào cho đúng. Các sinh viên sư phạm chỉ được dạy rằng không nên đánh.
(Xem thêm: Bảo mẫu đánh đập bé 17 tháng tuổi vì vừa ăn vừa khóc)
Vậy là cái chuyện xác định ranh giới giữa đánh để dạy dỗ và đánh quá mức chỉ rơi vào tay các cá nhân "nắm quyền". Trong số rất nhiều bảo mẫu đang hành nghề ở Việt Nam, có bao nhiêu người không đánh, có bao nhiêu người đánh, có bao nhiêu người đánh vừa phải, có bao nhiêu vụ được phanh phui?
Những "tấm gương" trên truyền thông bị đưa ra xét xử không thể hiển hiện được trong tâm trí của tất cả các bảo mẫu suốt ngày tất bật, những người suốt đời chỉ hiểu rằng đánh trẻ là chấp nhận được. Xét về mặt xã hội, việc phòng ngừa một tệ nạn như ma tuý thì chỉ có một khẩu hiệu là "Nói không với ma tuý".
(Xem thêm: Bé 10 tuổi muốn tự tử vì mẹ đánh đòn)
Còn bạo lực với trẻ thì nhiều người Việt Nam vẫn cho là chấp nhận được. Bảo người ta là chỉ nên bạo lực ít hay bạo lực nhiều thì quả là hơi khó. Có thể đa số thì hiểu được mức độ của sự bạo lực của mình nó thế nào, chứ những cô bảo mẫu bị còng tay kia thì không hiểu được. Con người luôn dễ bị sa đà, mà chỉ cần vài bảo mẫu sa đà là đã có hàng chục em bé tơi tả.
Những lời chỉ trích các thầy cô và cả các bảo mẫu về việc dùng bạo lực trong giáo dục giờ đã nhiều hơn. Vậy mà các lời bênh vực thì vẫn đầy ra đấy. Nhưng con người vào vai bảo mẫu nhân danh giáo dục kia vẫn nhớ là các thầy cô thì cần phải dạy dỗ các em, nếu cần thì cũng nên đánh. Nhưng bảo họ nhớ là chỉ nên bạo lực chút ít thôi thì không phải là thứ mà ai cũng làm được.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Khanh
>> Xem thêm: Bé 4 tuổi bị bảo mẫu nhéo tai bầm tím vì bỏ ăn