Bác sĩ Trần Văn Phúc - hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết nhân sự việc nhiều người dân ở Bắc Giang treo thiếu niên 16 tuổi lên cột điện, vì bắt quả tang người này trộm chó.
Nhìn bức ảnh một đứa trẻ 16 tuổi, bị bao nhiêu người lớn đánh đập cho đến bất tỉnh, rồi treo lên cột điện vì ăn trộm chó, tôi thật sự kinh hoàng, sợ hãi và cảm thấy bất lực.
Tối 24/10, bắt quả tang nam thiếu niên 16 tuổi trộm cắp chó, người dân ở xã Đông Lỗ (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã đánh đập và trói tay nghi phạm lên cột điện. Ngay sau đó, thiếu niên này đã được lực lượng công an xã giải cứu kịp thời và đưa đi bệnh viện. |
Bức ảnh này làm cho tôi nhớ lại nhiều năm trước, khi lần đầu tiên tôi đến Thụy Điển, được chứng kiến câu chuyện một cậu bé thiếu niên 14 tuổi bỏ nhà đi hoang. Gia đình đã báo cho cảnh sát thành phố. Và họ tìm thấy đứa trẻ ngủ bên hông nhà thờ.
Tôi tò mò đứng xem họ giải quyết như thế nào với đứa trẻ? Ban đầu là cảnh sát, có tới hai chục người đến nhưng họ chẳng làm gì cả. Một lúc sau bố mẹ xuất hiện với đồ ăn thức uống. Lúc sau nữa có bác sĩ đến khám. Và rồi có cả bác sĩ tâm lý, có thầy cô giáo và bạn thân. Thế là câu chuyện kéo dài từ sáng cho đến chiều.
Tôi đặt câu hỏi tại sao không bắt đứa trẻ về đồn giải quyết? Cảnh sát đã trả lời tôi rằng, họ không được phép làm cho đứa trẻ đau, càng không được phép làm nó sợ, nhiệm vụ của cảnh sát và bác sĩ là phải tìm cho bằng ra nguyên nhân tại sao đứa trẻ lại bỏ nhà đi hoang, ví dụ như stress hay bị bạo hành...
(Xem thêm: Mẹ kế đánh con bầm dập vì mất 1.000 đồng gây phẫn nộ)
“Nhưng nếu đó là đứa trẻ hư hỏng thì sao?” – tôi tiếp tục đặt ra câu hỏi mà tôi băn khoăn. Và câu trả lời của cảnh sát làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều: “Thụy Điển không có những đứa trẻ hư hỏng, chúng tôi sẽ làm tất cả để đảm bảo rằng đất nước Thụy Điển không phải nuôi dưỡng những đứa trẻ hư hỏng”.
Câu chuyện mà tôi chứng kiến ở Thụy Điển, nó ngược lại với hình ảnh một đứa trẻ 16 tuổi bị người lớn đánh đập đến bất tỉnh, rồi treo lên cột điện, vì bắt trộm chó. Hình ảnh ấy, nó phản ánh một cách rõ ràng nhất sự bất tài và thất bại của những người lớn chúng ta.
Trẻ em là vô tội
Văn học, hay các hình thức giải trí trong đời sống xã hội nói chung, từ nhân vật anh hùng cho đến kẻ phản diện đều đồng ý với nhau một điều rằng, họ sẽ không bao giờ làm tổn thương trẻ em. Một cuốn tiểu thuyết, hoặc một bộ phim, chắc chắn sẽ bị cơ quan kiểm duyệt cắt bỏ nếu có hình ảnh trẻ em bị ngược đãi hay bị giết.
(Xem thêm: 'Đừng đánh con khi trẻ làm đổ sữa')
Niềm tin không làm tổn thương một đứa trẻ, nó được tồn tại bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do quan trọng nhất, trẻ em là vô tội nên cần được bảo vệ và tránh mọi nguy hiểm.
Mở đầu cuốn sách Tam Tự Kinh có từ hơn 700 năm trước, là bài học “Nhân chi sơ – Tính bản thiện”, nghĩa là trẻ em sinh ra vốn hiền lành, lương thiện. Ngược lại xa hơn nữa, là Kinh Tân Ước gần hai ngàn năm về trước, đã mặc định trẻ em là đặc biệt quý giá, chúng chẳng có tội gì cả, chúng phải được yêu thương, phải được bảo vệ và chăm sóc bởi xã hội nói chung.
Người châu Âu cuối thế kỷ 19, ở thời đại Victoria, đã lấy cảm hứng từ sự giác ngộ trong kinh thánh, để phát minh ra “Thời thơ ấu – Childhood”. Trước đó là thời kỳ khai sáng, mà chúng ta luôn phải nhớ tới Jean Jacques Rousseau với cuốn tiểu thuyết Emile đặc biệt quan trọng, bất cứ bậc cha mẹ hay các nhà giáo dục nào cũng phải coi đó là cuốn cẩm nang gối đầu giường.
Nhà báo Jamie Gumbrecht khi nói về một thế hệ trẻ em ở Thụy Điển không bị đánh đập, đã kể câu chuyện về bé Ian Swanson thật ấn tượng.
(Xem thêm: Bé 4 tuổi bị bảo mẫu nhéo tai bầm tím vì bỏ ăn)
Ian Swanson 5 tuổi, cùng gia đình chuyển từ Mỹ sang Umea, một thị trấn nhỏ ở miền bắc Thụy Điển. Giống như bất kỳ đứa trẻ nào khác, Swanson cũng hòa nhập với những bạn nhỏ ở thị trấn này, học tiếng Thụy Điển và bắt đầu thẩm thấu nền văn hóa của một quốc gia Bắc Âu.
Thỉnh thoảng, Swanson vẫn bị mẹ phát vào mông, bị bố dúi cho một cái từ phía sau cùng cái nhìn nghiêm khắc.
Nhưng đến một ngày, thầy hiệu trưởng và giáo viên mẫu giáo, cùng với nhân viên xã hội đến nhà Swanson. Họ bày tỏ sự lo lắng rằng hành động của bố và mẹ Swanson là không thích hợp, họ muốn nói về sự bạo hành.
Swanson đã dịch lại cho cả bố và mẹ, những người vẫn đang đánh vật với ngôn ngữ Thụy Điển, “bạn phải hiểu, mọi thứ đang diễn ra rất khác ở nơi đây”.
Vào năm 1979, đúng một năm trước khi Swanson chuyển đến, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật nghiêm cấm bố mẹ dùng mọi hình phạt về thể xác đối với trẻ. Kể từ đó, hơn 30 quốc gia khác cũng thông qua các lệnh cấm đánh trẻ em ở nhà, cũng như ở trường học hay ngoài xã hội.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Bạo lực không phải là căn bệnh không có căn nguyên, nhưng dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa, thì đánh người là hoàn toàn sai, trong khi trẻ em cũng là một con người. Thực tế thì người lớn đã và đang đánh trẻ con, điều đó không đạt được mục đích giáo dục, mà chỉ che lấp sự bất tài của người lớn mà thôi.
Bạn sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy một đứa trẻ 16 tuổi nhưng còi cọc như đứa trẻ 14, bị bao nhiêu người lớn đánh đập cho đến bất tỉnh, rồi treo lên cột điện, vì bắt trộm chó? Tôi thì cho rằng, nếu chúng ta vẫn đồng tình, thậm chí là cổ vũ cho hành động đó, thì chúng ta sẽ biến nơi mình đang sống trở thành địa ngục đẫm máu trong tương lai.
>> Xem thêm: Bố đánh con hàng trăm trận đòn