Trước mắt tôi là cảnh người mẹ mắng nhiếc, tát không ngừng vào mặt đứa con khoảng 4 tuổi ngay giữa chợ. Tôi tự hỏi bà ta có ý thức được mình đang làm gì không? Có nghĩ đến hậu quả của nó không? Có biết điều tưởng chừng rất đơn giản ấy sẽ làm tổn thương tâm hồn con trẻ không hay chỉ đơn giản vì đó là con mình nên mình có toàn quyền trên nó?
Khi những đứa trẻ này lớn lên, mang vào đời những tổn thương ấy, chúng bắt đầu yêu, rồi lập gia đình và những đứa con của chúng được ra đời. Tôi tự hỏi những người cha, người mẹ nghĩ gì khi biết có một bào thai đang hình thành? Họ sẽ dạy dỗ con mình như thế nào khi chính họ cũng là những đứa trẻ? Họ chuẩn bị gì cho tụi nhỏ hay tất cả chỉ là bản năng?
Đi qua nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, và sự thật là có những con người khiến ta không thể ưa nổi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng nếu bạn chứng kiến cảnh những con người ngạo mạn, xấc xược, bất cần đời tuôn tràn nước mắt chỉ bởi những vòng tay xiết chặt yêu thương bạn sẽ hiểu họ thiếu thốn tình cảm thế nào, và rằng đôi khi tất cả những gì đứa con cần là vòng tay cha mẹ để chúng có thể tiếp tục bước đi.
Bạn sẽ nói: "Nhưng văn hóa chúng ta không làm như vậy, chúng ta không quen với việc thể hiện tình cảm nên điều đó không thể được". À, bạn cho nó là vì văn hóa, vậy tôi sẽ nói về văn hóa.
Văn hóa của chúng ta là gì nhỉ? Là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, cha mẹ có quyền kiểm soát cuộc đời con cái cho đến khi họ qua đời? Cha mẹ là người không bao giờ sai và nếu có sai thì cũng không cần phải xin lỗi?
Để con cái kính nể, cha mẹ không được gần gũi với chúng, không cần nói yêu thương (tự chúng phải hiểu điều đó chứ), không cần lắng nghe, không cần biết những đứa con cảm thấy thế nào?
Cha mẹ là người được quyền dùng bạo lực để "thuần hóa" con cái khi chúng còn nhỏ, dùng tiền bạc để điều khiển khi chúng lớn, và khi những điều đó không còn phát huy tác dụng, họ sẽ dùng đến "con át chủ bài" rằng: "Nếu mày không nghe lời, tao sẽ tự vẫn cho mày coi" hoặc "tao sẽ từ mày"…
Vậy đó, văn hóa của chúng ta đó, có điều gì đáng tự hào không nhỉ? Chúng ta được nuôi dạy như thế, bị tổn thương và trở thành những con người to xác, chỉ già đi chứ không lớn lên…
Văn hóa của chúng ta tạo nên những gia đình mà cha mẹ sống tách biệt con cái, mỗi người cứ ôm cái thế giới riêng của mình, để khi thiếu thốn tình cảm, một đứa con gái có thể ngã vào vòng tay của bất cứ tên con trai nào cho nó cảm giác được yêu thương, được lấp đầy hay đúng hơn là để che đậy những hố sâu mà cha mẹ đã đục khoét trong tâm hồn nó.
Cái mà người ta có thể thấy là sự băng hoại đạo đức, họ thấy tuổi đời tội phạm đang “được” trẻ hóa, họ không tiếc lời mắng chửi những kẻ sống vô trách nhiệm. Tôi tự hỏi làm sao những đứa trẻ ấy có thể chịu trách nhiệm khi những người đáng lẽ có trách nhiệm cho cuộc đời chúng lại sống không hề có trách nhiệm?
Tôi nghe giữa mớ hỗn độn của tội lỗi là tiếng khóc thét: "Cha mẹ! Con có thật sự tồn tại không?", chúng chỉ cố làm điều gì đó để giành lấy sự để tâm của người lớn. Nếu có dịp vào bất cứ trại giam nào, hãy hỏi bất kỳ tù nhân về gia đình của họ. Bạn sẽ chẳng còn thắc mắc sao lại ở đó.
Tôi chưa bao giờ nghĩ yêu thương ai đó hết lòng là đủ. Như tôi đã nói về văn hóa của chúng ta, với những khuôn mẫu, luật lệ được định hình sẵn, rập khuôn di truyền từ đời này sang đời khác, sự di truyền không cần phụ thuộc vào huyết thống. Thật đáng sợ! Chúng ta đâu phải là những con robot để có thể cảm nhận tình yêu cách rập khuôn.
Những đứa con sẽ không hiểu cha mẹ yêu thương chúng thế nào nếu họ không nói bằng ngôn ngữ của chúng. Sẽ phản tác dụng khi họ cố nhét thật nhiều tiền vào tay con cái lúc nó chỉ cần được an ủi, vỗ về. Và để biết cách sử dụng ngôn ngữ của chúng thì phải học hỏi, thay đổi để yêu thương là một điều vô cùng xa xỉ trong thứ văn hóa mà cha mẹ luôn đúng, luôn tốt, luôn giỏi… Người ta không thể đổ nước vào một cái bình đã đóng.
Tôi tự hỏi, tại sao mình chưa bao giờ muốn có con? Là vì biết mình chưa đủ để chịu trách nhiệm cho một cuộc đời. Tôi thà ở vậy, còn hơn gieo thêm những tổn thương vào một xã hội vốn đã băng hoại vì những thương tổn. Bắt nguồn từ gia đình, rồi đến cộng đồng.
Cần lắm một cuộc cách mạng, nơi có những con người sẵn lòng bức ra khỏi cái xiềng xích cũ kĩ, là những người ý thức được vai trò, trách nhiệm làm cha mẹ, ý thức rằng mỗi đứa con được sinh ra là để đón nhận tình yêu thương không điều kiện, ý thức việc ôm ấp, lắng nghe, chia sẻ là điều cần thiết, rằng việc xin lỗi con khi mình làm sai là chuyện đương nhiên…
Nhưng vấn đề là đến bao giờ họ mới chịu bước ra khỏi cái vỏ bọc của mình, bước ra khỏi cái vẻ đạo mạo ấy, hay chỉ đơn giản là bước ra khỏi cái tôi của họ? Đến bao giờ họ mới chịu thay đổi? Bao giờ cho đến bao giờ? Tôi chỉ tự hỏi, vì bản thân mình cũng không có câu trả lời, nó tùy thuộc vào ý thức của mỗi người. Thôi thì đành tặng dấu chấm lửng cho những gì còn dang dở…
>> Xem thêm: Vì sao nhiều cha mẹ Việt hay đánh con
Chia sẻ bài viết của bạn về bạo lực gia đình tại đây.