Quanh câu chuyện "Sống bên những dòng sông chết", nhiều độc giả VnExpress cho rằng vấn đề nằm ở ý thức sinh hoạt và bảo vệ môi trường của mỗi người:
Không thể tưởng tượng được, giữa thủ đô văn minh của thế kỷ 21 rồi, mà vẫn còn lối sống như vậy, đúng kiểu "con chuột chết trong nhà quẳng ra bờ rào". Họ nghĩ nhà mình sạch là đủ. Để giải quyết triệt để, các cơ quan quản lý phải quy hoạch lại hệ thống thoát nước, không thể cứ đổ thẳng nước thải ra con sông như vậy. Giải quyết được vấn đề xả thải rồi thì ban hành các quy định xử phạt nghiêm hành vi đổ rác ra con sông.
Ai đó phải làm gì đi chứ? Chúng ta có thể chịu được bẩn thỉu, ô nhiễm nhưng để con cháu, thế hệ tương lai phải chịu bệnh tật, sống trong một môi trường ô nhiễm toàn diện thế này thì là tội ác. Ngồi viết những dòng này tôi còn nguyên khẩu trang chống bụi trên mặt đây. Hôm nay không khí Hà Nội ở mức trên 300, mức đặc biệt nguy hại cho sức khỏe.
Ý thức của mỗi người thì tốt, nhưng khi sống chung trong cộng đồng thì lại khó thực hiện. Người này ý thức được và không vứt, nhưng thấy người khác lại vứt thì nghĩ "mình không vứt thì họ cũng vứt, nên thôi vứt tuốt". Vấn đề là cần một tổ chức, một cơ quan đứng ra để tuyên truyền, vận động người dân. Như ở Đà Nẵng từng làm, và khi cơ quan, tổ chức làm cho bà con hiểu để đồng lòng thực hiện thì ý thức tốt sẽ được áp dụng.
Từ ý thức của dân mình mà ra cả, giờ thì người khác phải chịu hậu quả, và phải tìm cách xử lý. Nếu ngay từ ban đầu mà có ý thức thì dòng kênh đâu ra nông nỗi này? Còn rất rất nhiều dòng kênh như vậy nữa. Khi ý thức của dân mình chỉ biết làm cái gì cho thuận tiện bản thân mà không nghĩ tới hậu quả sau này.
Đây chẳng phải là thảm họa tự nhiên mà là thảm họa do chính chúng ta gây ra... quy hoạch là nguyên nhân chính, sau đấy là thói xấu, vô ý thức, thiếu văn minh của cư dân.
Áp lực về tiền bạc nơi thành thị dẫn tới nhiều áp lực về công việc tinh thần. Ban đầu vẫn rất nhiều người có ý thức trong cuộc sống, dần dà họ thấy quanh mình có nhiều người vô ý thức và rồi hệ lụy là những người có ý thức không còn nghĩ mình nên như vậy nữa và cuối cùng là thực trạng như lúc này. Mọi thứ đều có cách thức để thay đổi nhưng không thay đổi được để tốt hơn thì sẽ dần đi vào sự cùng cụt. Tất yếu của nó là bệnh tật là vô vàn những thứ khó mà vực lại được. Chấm hết cho nhiều số phận.
Trách nhiệm từ việc quy hoạch, quản lý và hành xử của con người với thiên nhiên. Tất cả chúng ta đều có lỗi, ở tầm vĩ mô tôi chưa nói, chỉ mong mỗi người, mỗi ngày đừng xả rác, túi nilong, tạp chất ra đường, ra sông nữa... Liệu có làm được không?
Tất cả là do kém hiểu biết của con người và đã đối xử quá tệ với môi trường, bây giờ con cháu và bản thân chúng ta phải gánh chịu thôi. Cần phải có cuộc cách mạng xanh sâu rộng, quyết liệt thì may ra còn vớt vát phần nào.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.