Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, trả lời VnExpress về tình trạng những ngày qua, nhiều người làm thủ tục nhận trợ cấp một lần xếp hàng rồng rắn, thậm chí thức suốt đêm trước trụ sở bảo hiểm một số địa phương.
- Số lượng người rút BHXH lần ở TP HCM từ đầu năm đến nay như thế nào?
- Tới thời điểm 30/11, thành phố ghi nhận 99.615 người nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần, tăng 460 người so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn năm 2020 khoảng 14.000 người. Theo đánh giá của BHXH thành phố, người nhận trợ cấp một lần năm nay có tăng nhưng không đáng kể.
- Người rút không tăng nhiều, tại sao các địa phương như TP Thủ Đức, Hóc Môn xảy ra quá tải, người dân phải thức suốt đêm chờ làm thủ tục?
- Năm nay, tổng số người rút tăng không nhiều nhưng đột biến vào một số thời điểm. Lần thứ nhất vào đầu tháng 4, khi các biện pháp giãn cách xã hội gỡ bỏ hoàn toàn, người dân tập trung nộp hồ sơ. Lần thứ hai vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 khi các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, cắt giảm lao động và hạn chế tuyển mới. Lao động không tìm được việc, kết hợp với cận Tết, họ không còn thu nhập nên chọn hưởng chế độ BHXH một lần. Lúc này, khoản tiền bảo hiểm là nguồn hợp pháp duy nhất mà họ có.
Những địa phương quá tải là nơi có nhiều nhà máy, doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp đông công nhân thuê trọ và vùng giáp ranh như TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12, Tân Phú, Bình Tân. Đặc biệt, TP Thủ Đức là ba quận hợp lại nên công việc cũng tăng lên nhiều lần. Không chỉ người tại địa phương, lao động ở các tỉnh lân cận cũng về TP HCM nộp hồ sơ.
Khuôn viên cơ quan BHXH quận, huyện, TP Thủ Đức khá nhỏ nên không thể bố trí được chỗ tiếp đón người đến nộp hồ sơ đàng hoàng. Ví dụ như chỗ gửi xe, cơ quan bảo hiểm không thể giữ hết nên mỗi người đến nộp hồ sơ sẽ chở theo một người trông xe. Do đó, nếu một địa điểm có 100 người đến làm thủ tục thì bao quanh trụ sở sẽ là 150-200 người.
- Việc quá tải từng diễn ra vào đầu năm, vì sao cơ quan BHXH không chuẩn bị để hỗ trợ khi số lượng người đi rút tăng cao?
- Đây là thiếu sót của chúng tôi khi chưa thường xuyên thông tin về nơi tiếp nhận hồ sơ hưởng BHXH một lần. Trước đây, người lao động muốn nhận trợ cấp một lần phải nộp hồ sơ về nơi mình cư trú nhưng giờ đây có thể nộp ở bất cứ BHXH quận, huyện nào. Ví dụ người lao động ở Thủ Đức, từng làm việc tại một công ty ở Thủ Đức nhưng khi đến BHXH TP Thủ Đức nộp hồ sơ mà thấy quá đông thì nên đến BHXH quận 1, 3, 10, 4, Phú Nhuận... để được phục vụ. Đây là những quận ít người đến làm thủ tục. Người lao động không nên tập trung về nơi vốn đã thường xuyên quá tải như TP Thủ Đức, Hóc Môn khiến bản thân mệt mỏi.
Hiện, Bảo hiểm xã hội 22 quận huyện, 46 bưu cục ở thành phố đều tiếp nhận hồ sơ hưởng BHXH một lần. Danh sách các địa điểm này được niêm yết công khai ở các trụ sở, người lao động có thể chủ động lựa chọn địa điểm phù hợp.
Một lý do khác cũng thuộc về phía cơ quan bảo hiểm là nhân sự đang thiếu. Thành phố có 1.130 nhân viên, đang phục vụ hơn 2,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 30.000 tham gia BHXH tự nguyện, gần 8 triệu người sử dụng thẻ BHYT, chưa kể các tổ chức như doanh nghiệp, trường học, bệnh viện.... Số lượng người tham gia BHXH tăng nhanh nhưng chỉ tiêu nhân sự của BHXH thành phố từ năm 2013 đến nay không thay đổi.
Nhiều năm qua, công việc khá áp lực, trung bình mỗi năm có 50 nhân viên nghỉ việc nhưng chưa được bổ sung, việc này tạo thêm áp lực cho người ở lại.
Ngoài ra, mỗi ngày cơ quan BHXH không chỉ giải quyết BHXH một lần mà còn có hàng loạt chế độ khác như thai sản, ốm đau, hưu trí... cũng là những chế độ cần đảm bảo. Chúng tôi đang cố gắng nhưng thực sự có những giai đoạn quá tải khiến người dân không hài lòng, để xảy ra những hình ảnh không tốt.
- Vì sao ngành bảo hiểm không ứng dụng công nghệ thông tin, để người lao động đăng ký nhận trợ cấp qua kênh online?
- Một số dịch vụ của ngành đã được đưa lên cổng dịch vụ công quốc gia. Hơn một tháng qua, Bảo hiểm xã hội TP HCM được giao thí điểm đặt lịch làm việc online nhưng thực tế người dân sử dụng qua các kênh này chưa nhiều. Ngoài ra, đối với thủ tục hưởng trợ cấp BHXH một lần, theo quy định của pháp luật hồ sơ hưởng phải là sổ BHXH bản chính. Như vậy, dù người lao động có giao dịch điện tử vẫn phải đến nộp cuốn sổ giấy mới hoàn thành thủ tục giải quyết.
- Tình trạng rút BHXH một lần thời gian tới như thế nào khi vừa qua xảy ra làn sóng doanh nghiệp thiếu đơn hàng đã cắt giảm nhiều lao động?
- Chúng tôi không có dữ liệu đầy đủ về tình trạng khó khăn của doanh nghiệp nên chưa thể đưa ra dự báo. Tuy nhiên, có một thực tế khi người lao động lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không tìm được việc, họ sẽ nghĩ ngay đến khoản BHXH một lần bởi thực sự lương công nhân khá thấp và họ gần như không có tích lũy.
Ngoài ra, đang có tình trạng một số người cố tình nghỉ để rút BHXH một lần. Đây là những lao động nghỉ việc nhận trợ cấp thất nghiệp rồi đi làm thời vụ, vừa đủ một năm sẽ đi rút bảo hiểm. Họ là những người không muốn nhận lương hưu vì cho rằng lương hưu sau này rất thấp, không đủ sống. Tuy nhiên, phải hiểu nguyên tắc của bảo hiểm là đóng – hưởng, khi còn trẻ mình đóng với mức lương thấp, tích lũy ít tiền, khi về già mình sẽ nhận mức lương hưu không thể cao được.
- Nhiều người rút trợ cấp một lần sẽ gây hệ luỵ gì?
- Đầu tiên là người rút sẽ không có lương hưu khi hết tuổi lao động. Tiếp theo việc đông người rút sẽ ảnh hưởng chính sách chung của nhà nước về việc đảm bảo an sinh cho người dân. Quỹ bảo hiểm xã hội được nhà nước bảo trợ nên luôn đảm bảo được việc chi trả lương hưu cho người tham gia. Tuy nhiên, nếu nhiều người rút quỹ sẽ không lớn được để tính toán các chính sách hỗ trợ tăng thêm cho người tham gia hoặc điều chỉnh mức tăng lương hưu hàng năm.
Dễ hiểu là khi có nhiều tiền thì việc gì cũng dễ hơn. Ví dụ khi tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân cao, quỹ lớn lên, xây dựng chế độ tốt hơn cho người tham gia. Bài toán chung của bảo hiểm là vậy, phải đặt trong cộng đồng, cùng tương trợ, chia sẻ với nhau, còn mỗi người tự rút, tách riêng lẻ sẽ rất khó.
- Cơ quan bảo hiểm đề xuất giải pháp gì hạn chế người dân rút BHXH một lần?
- Về phía ngành bảo hiểm sẽ thông tin nhiều hơn về những thiệt thòi khi rút BHXH một lần nhưng như vậy là không đủ. Về lâu dài, chính sách phải có sự thay đổi, tính đến những giải pháp căn cơ. Hiện, những lao động ngoài 35 tuổi ở các ngành thâm dụng lao động rất dễ mất việc và sau đó họ khó quay lại thị trường lao động. Do đó, nhà nước nên tính toán để đào tạo lại nghề, giúp họ có công việc phù hợp để tiếp tục tạo ra thu nhập duy trì cuộc sống.
Lê Tuyết