Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sau khi vào Biển Đông vào đêm qua, bão đã theo hướng tây, nhắm đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thay vì chếch lên phía bắc. Đến 13h ngày 10/9, tâm bão chỉ cách quần đảo Hoàng Sa 120 km, sức gió mạnh nhất 115 km/h, cấp 10-11, giật tăng hai cấp.
Đài khí tượng Nhật Bản cho biết hiện tâm bão gần giữa Biển Đông, sức gió mạnh nhất 82 km/h. Ngày 10/9, bão mạnh lên 108 km/h, hướng vào khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Dự báo của Hải quân Mỹ, bão sẽ vào bắc vịnh Bắc Bộ (ngoài khơi Thanh Hóa, Nghệ An).
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, các nước đang đưa ra dự báo khác nhau về đường đi của bão. Nguyên nhân là Côn Sơn chịu ảnh hưởng của siêu bão Chan Thu ở tây bắc Thái Bình Dương. Việt Nam nhận định bão khi đến quần đảo Hoàng Sa sẽ chậm lại, sau đó đi vào vịnh Bắc Bộ.
Cùng ngày, đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai cho hay các tỉnh từ Hà Giang đến Hà Tĩnh đã lên phương án sơn tán 766.000 dân. Trong đó, các địa phương ở miền núi phía Bắc dự kiến sơ tán 154.390 dân khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...
Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn (Bộ đội Biên phòng), cho hay các đơn vị đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 71.500 tàu/thuyền và 349.080 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động tránh, trú.
Côn Sơn là cơn bão thứ năm ở Biển Đông trong năm nay. Từ nay tới hết năm 2021, Biển Đông còn có khả năng xuất hiện 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.