Tại Anh, "Người ủng hộ Trump trong tâm bão của nền dân chủ Mỹ" là tiêu đề trên trang chủ tờ The Times, mô tả "các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa đều kéo mặt nạ phòng độc lên che mặt và trốn dưới bàn làm việc, còn nhân viên thì trốn trong văn phòng".
"Nền dân chủ đang bị bao vây", tờ Daily Telegraph viết, đưa tin về "cảnh bạo lực và hỗn loạn chưa từng có" ở Washington khi "đám đông người ủng hộ Trump" tràn vào Đồi Capitol, tòa nhà quốc hội Mỹ.
Còn Guardian nhận xét vụ bạo loạn phơi bày "thách thức gay gắt nhất đối với chế độ dân chủ Mỹ từ sau Nội chiến".
"Hỗn loạn" và "đáng xấu hổ" là những từ ngữ lặp lại nhiều nhất trên các tờ báo lớn của châu Âu. Die Welt dẫn bài xã luận của phóng viên Clemens Wergin, gọi đây là "Ngày xấu hổ của nền dân chủ Mỹ".
"Mỹ đang trải qua cuộc đảo chính bạo lực đầu tiên", ông viết, nói thêm "Tổng thống, cũng những lời dối trá của ông ấy và một đảng Cộng hòa không xương sống phải chịu trách nhiệm chính trị".
Süddeutsche Zeitung, một trong những tờ nhật báo lớn nhất của Đức, nói về "nỗi xấu hổ của Washington" dưới tiêu đề bài viết "Cuộc đảo chính điên rồ". Trong khi đó tại Tây Ban Nha, tờ El Pais cáo buộc Trump đã "khuyến khích gây hỗn loạn".
Nhật báo La Repubblica của Italy còn đi xa hơn, khi so sánh cuộc bạo loạn với vụ đảo chính ở Italy năm 1922 khi nhà độc tài Benito Mussolini lên nắm quyền.
"Nước Mỹ, toàn bộ nước Mỹ, đã kinh hoàng dõi theo Cuộc Tuần hành ở Rome (vụ đảo chính của phe phát xít Italy tháng 10/1922) tại Washington trực tiếp trên truyền hình. Vụ xâm chiếm Đồi Capitol là cuộc tấn công vào sự thiêng liêng của nền dân chủ", là mở đầu bài viết của Mario Platero.
La Corriere della Serra, một tờ báo lớn của Italy, viết về Proud Boys, nhóm ủng hộ Trump là "những kẻ cánh hữu cực đoan, gồm cả phụ nữ và thanh niên, được kêu gọi trực tiếp bởi Trump, người sau đó cố gắng xoa dịu căng thẳng trên truyền hình bằng lời nói: 'Chúng ta là bên đại diện cho luật pháp và trật tự' nhưng đã quá muộn".
"Trump: chiến lược gieo rắc hỗn loạn" là tiêu đề trên trang nhất nhật báo Giải phóng của Pháp, củng cố quan điểm của bài viết bên trong với tiêu đề "Trump phóng hỏa Washington".
"Cuộc tấn công của Donald Trump vào nền dân chủ Mỹ đã trở thành một biểu tượng vững chắc vào 6/1, khi những người ủng hộ ông bị bài phát biểu của Trump khơi dậy cơn cuồng nộ đã tìm cách xông vào Đồi Capitol", trích bài báo.
Trên Le Figaro, nhật báo lâu đời của Pháp, biên tập viên Philippe Gelie đã viết rằng "Donald Trump nổi lên với tư cách là một 'tổng thống của nhân dân' gây nhiều tranh cãi nhất. Lòng tự ái của ông vượt qua nhân phẩm. Ông ấy gạt bỏ thể chế, giẫm đạp nền dân chủ, chia rẽ nội bộ và ném vai trò tổng thống của mình xuống cống".
"Nước Mỹ đã tụt xuống ngang hàng với các nước Mỹ Latinh", là nhận xét trên tờ O Globo của Brazil.
"Mục tiêu là Đồi Capitol, không phải Tháp Đôi, nhưng hành động này cũng giống khủng bố", nhà báo Eliane Cantanhêde viết trên O Estado de S. Paulo, một tờ báo khác của Brazil. "Khủng bố trong nước, nội bộ, tấn công Đồi Capitol, là ngọn lửa do chính Tổng thống Donald Trump thổi lên".
Nhật báo Ai Cập Al-Ahram mô tả cảnh bạo loạn khi người ủng hộ đụng độ với cảnh sát lúc xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ, cho rằng cảnh tượng này phơi bày hiện thực "nền dân chủ Mỹ đã bị cúng tế, nền tự do Mỹ đã chết, và những giá trị mà nước Mỹ không ngừng lan tỏa khắp thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng, cũng như đã bị lợi dụng làm lý do để can thiệp vào nội bộ nước khác".
Hồng Hạnh (Theo AFP)