Biển Hồ (hồ T’nưng) là điểm du lịch nổi tiếng Gia Lai, địa danh gắn với câu hát "đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy" có mặt hồ rộng lớn, là nguồn cung cấp nước sạch cho thành phố Pleiku. Cuộc sống ngư dân quanh vùng Biển Hồ dựa vào nguồn thủy sản phong phú như cá, tôm, tép... Món bánh xèo tép Biển Hồ cũng từ đây mà ra, tạo nên một nét đặc trưng cho ẩm thực phố núi.
Anh Phan Nguyên, sinh năm 1985, người Gia Lai, chủ kênh YouTube Hương đồng nội, mới đăng tải video Bánh xèo tép Biển Hồ và được nhiều người xem đón nhận, bình luận tích cực.
Khi những cơn mưa hè trút xuống, Biển Hồ đón nhận nhiều nguồn nước đổ về, mang theo động vật phù du, mùn đất cũng là nguồn thức ăn dồi dào cho các loài cá, tôm, tép. Nhờ đó, tép Biển Hồ ngon, chắc thịt, thân tép căng mình tươi rói. Ngư dân Biển Hồ dùng vó để bắt tép, dùng thêm mồi nhử làm từ trùn (một loại giun) nhào với cơm dẻo và cám.
"Quá trình bắt tép tại Biển Hồ mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm và lòng thương mến với cuộc sống mưu sinh của ngư dân. Màn đêm đen kịt nhưng các ngư dân vẫn lúi húi làm việc. Cả đêm họ không ngủ, loay hoay với mẻ lưới và ăn vội gói mì cho tới sáng. Cuộc sống mưu sinh tuy vất vả nhưng vui khi có hôm được mẻ cá, tép bội thu", anh Vương Ngọc, một người dân Biển Hồ chia sẻ.
Con tép dễ chế biến, làm được nhiều món như tép rang lá chanh, làm gỏi, tép nấu canh bầu, rau đay, tập tàng (nhiều loại rau kết hợp) nhưng ngon nhất có lẽ là làm bánh xèo. Sau khi bắt tép về, người dân tận dụng các sản phẩm "cây nhà lá vườn", hái rau diếp cá, xà lách, dưa leo, cải xanh và tía tô để ăn kèm với bánh xèo. Sau đó họ xay bột, chuẩn bị các nguyên liệu hành lá, tỏi, ớt xắt nhỏ và cho vào chảo nóng xào cùng với tép và thịt băm để làm nhân bánh.
Công đoạn cuối là đổ bột pha loãng, thêm chút màu nghệ vào chảo gang, lần
lượt cho nhân bánh là tép, thịt băm đã xào sơ trước đó, rồi thêm một ít giá
đỗ vào. Đợi khoảng 2-3 phút thì bánh chín, dùng đũa gắp bánh và trở bánh
qua lại rồi gắp ra đĩa thưởng thức kèm rau sống.
Một số điểm khác biệt của bánh xèo truyền thống miền Trung với các vùng
miền khác là người dân thường ngâm gạo thật mềm sau đó xay thành bột
bằng cối đá. Bánh xèo miền Trung có kích thước nhỏ, được làm trong chảo
gang có kích thước khoảng 15 cm, còn bánh xèo miền Nam lớn hơn do làm
trong chảo lớn. Vì thế ăn bánh xèo miền Trung phải 2-3 cái một lần mới đã.
Huỳnh Phương
Ảnh và video: Hương đồng nội