Hơn 6 giờ sáng, mưa lất phất, Nguyễn Văn Hòa, 32 tuổi, cùng nhân viên đẩy xe bánh mì ra trước cửa nhà số 35 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Hải Châu. Một người phụ nữ dáng khắc khổ từ bên đường đi lại hỏi nhỏ: "Sáng giờ đã bán được ổ nào chưa con?". Sau lớp áo mưa mỏng dính, Hòa thấy cô run vì lạnh. Đoán cô chưa ăn sáng, Hòa nhanh miệng: "Dạ tụi con bán rồi. Cô ăn bánh mì nhé?".
Không đợi câu trả lời, Hòa xẻ ổ bánh mì nóng hổi vừa ra lò, cho nhân thịt vào, rồi đưa lại cho người phụ nữ, không quên dặn thêm: "Tụi con tặng bánh mì miễn phí cho những cô chú bán vé số, bán hàng rong... cô gặp ai thì nhắn đến đây lấy nha". Thấy người phụ nữ vẫn ngượng nghịu khi cần trên tay ổ bánh mì đẹp mắt, Hòa trấn an: "Cô lo chi, tụi con vẫn bán hàng được mà".
Người phụ nữ bán vé số cảm ơn, khuôn mặt giãn ra kèm nụ cười, rồi rời đi. Quay vào xe bánh mì cùng cậu nhân viên tiếp tục dọn hàng, chuẩn bị đón khách, Hòa giải thích: "Mặc dù tụi mình chưa mở hàng nhưng lúc nãy nói thế chắc chắn cô sẽ ngại và bỏ đi, có thể lần sau sẽ không bao giờ đến nhận bánh mì nữa".
Hòa vốn là quản lý cho chuỗi bốn nhà hàng ở phố cổ Hội An. Gần một năm trước, vì dịch Covid-19 nên các nhà hàng chủ yếu phục vụ cho khách nước ngoài phải đóng cửa, đến nay vẫn chưa hoạt động lại. Nhiều tháng thất nghiệp, chàng trai nghĩ phải làm gì để tạo việc làm cho mình và đồng nghiệp trong nhà hàng.
Tháng 9 năm ngoái, Hòa và ông chủ nhà hàng, cùng anh đầu bếp lên kế hoạch làm một sản phẩm mới. Thấy nhiều nơi làm bánh mì thanh long, góp phần giải cứu nông sản giữa đại dịch, anh nảy ra ý tưởng làm món "bánh mì yêu nước".
"Mình chọn bánh mì vì đây là món ăn đặc trưng của Việt Nam. Gọi là "bánh mì yêu nước" là bởi nó có màu sắc của lá cờ Tổ quốc với màu đỏ và ngôi sao vàng ở giữa. Để chia sẻ trách nhiệm công dân với đất nước giữa đại dịch, mình quyết định ngoài kinh doanh, sẽ tặng bánh cho những lao động nghèo. Dịch bệnh khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng rất nhiều", chàng trai 32 tuổi nói.
Ban đầu, nhóm của Hòa tham khảo trên mạng các công thức về việc làm bánh mì kết hợp với nước ép thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, sau gần hai tháng liên tục thử nghiệm các công thức nhưng thành phẩm ra lò là những ổ bánh mì màu hồng nhạt. Kể cả thử cô đặc nước ép với hy vọng màu ra chuẩn hơn nhưng không thành.
Sau đó, nhóm bạn của Hòa thử kết hợp nước ép củ dền với nước ép thanh long để trộn bột. "Thật may mắn là tụi mình đã thành công, củ dền kết hợp với thanh long cho ra màu đỏ đậm, đẹp mắt hơn", Hòa chia sẻ.
Từ tháng 11/2020 đến nay, nhóm bạn đã mở được hai cơ sở bán "bánh mỳ yêu nước" ở Đà Nẵng và ở số 38 Phan Chu Trinh, Hội An. Bánh mì không 4.000 đồng một ổ, kẹp thêm nhân giá từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng. Tủ bánh mì miễn phí được đặt cạnh bên với dòng chữ: "Ai cần xin cứ lấy một phần" dùng để gửi đến những người lao động nghèo.
"Tủ bánh mì miễn phí cũng có nhân, giống những ổ bán cho khách", Hòa chia sẻ. Mỗi ngày, hai tiệm bánh mì nhỏ của anh bán được hơn 100 ổ và dành tặng khoảng 30 ổ cho những người khó khăn.
Bánh mì được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên tốn thêm nhiều công đoạn và chi phí. Để "hút khách", duy trì hoạt động của tiệm để giúp được thêm nhiều người, nhóm của Hòa làm thêm bánh mì trà xanh, than tre...
Dù thấy vui vì những lời cám ơn chân thành đến từ những người thật sự cần, không ít lần, Hòa nghe nhân viên của mình nói rằng có người trông "không thật sự nghèo" cũng đến lấy bánh mì miễn phí. Những lúc như thế, Hòa trấn an mọi người: "Không nên lấy điều đó làm ảnh hưởng đến điều mình đang làm. Mình nên tin rằng chí ít đã giúp được nhiều người thật sự khó khăn. Hơn nữa, không thể đánh giá họ qua vẻ bề ngoài, có thể họ lấy mang đến cho những người khó khăn khác".
Ba ngày trước, sau khi biết được những chiếc bánh mì với cái tên "Yêu nước", chị Huỳnh Mai Phước, 43 tuổi, một giáo viên ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ đã cùng các học sinh của mình đến mua bánh. Trước khi đến, chị đưa ra một điều kiện là mọi người cũng mặc lên chiếc áo in hình cờ đỏ sao vàng để thể hiện sự tôn trọng, biết ơn những người thợ làm bánh, nhân viên của tiệm.
"Bánh mì làm từ những nguyên liệu tự nhiên nên rất tốt cho sức khỏe. Tôi rất cảm động bởi tinh thần Việt Nam được thể hiện qua những chiếc bánh. Trước những khó khăn chung của đại dịch mà một tiệm bánh tuy nhỏ, mới hoạt động vài tháng đã sẵn sàng giúp đỡ người nghèo, góp phần giúp đỡ, động viên họ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này", chị Phước nói.
Diệp Phan