Dưới ánh sáng của những dãy đèn neon sáng choang trong khu nhà xưởng rộng 15.000 m2, anh Lê Duy Toàn (33 tuổi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) căng mắt soi từng mớ bún sợi đều tăm tắp, màu vàng cam. Thi thoảng, anh lấy tay vạch nhẹ, nhặt ra một sợi bún gãy, nét mặt giãn ra khi biết mẻ sản phẩm này đã thành công như ý muốn. Những trái dưa hấu đã "bén duyên" với sợi bún gạo.
Câu chuyện "bún dưa hấu" đến với anh Toàn một cách rất tình cờ. Sau Tết Canh Tý, một lần chạy xe qua quãng đường ngắn, anh bắt gặp 4-5 điểm bán dưa hấu "giải cứu nông dân" với giá chỉ 5.000 đồng mỗi kg. Thấy rẻ, anh mua ngay gần 100 kg đem về tặng cho nhân viên công ty.
Nhưng sau lần "giải cứu" ấy, chàng trai từng du học ngành quản trị kinh doanh ở Mỹ lại suy nghĩ: "Chỉ mua để ăn thì không thể nào tiêu thụ hết. Mình cần làm gì đó lâu dài hơn". Sẵn tiện đang là ông chủ xưởng sản xuất bún và bánh tráng gạo của gia đình, anh tìm cách kết hợp hai thứ tưởng chừng như "chẳng liên quan" này với nhau.
"Với mong muốn tạo ra sản phẩm mới lạ, giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, tôi cùng 70 nhân công bắt tay vào thử nghiệm luôn", Lê Duy Toàn nói.
Vốn có kinh nghiệm trong việc kết hợp các loại rau củ để tạo màu và mùi vị cho sản phẩm, anh bắt đầu thử sức với bún dưa hấu. Vài tấn dưa mua từ Long An, Bình Thuận... về được gọt sạch vỏ, cắt lát mỏng, tách hạt và ép lấy nước, sau đó trộn với bột gạo.
"Lúc đầu, tôi nghĩ sẽ đơn giản lắm, nhưng bún vừa luộc xong chẳng còn mùi dưa hấu, sợi bún mềm nhão, chưa kịp sấy khô đã gãy thành mấy khúc", Toàn nhớ lại.
Nhưng anh vẫn cho nhân viên tiếp tục sấy khô bún để thử kết hợp với nước dùng, cùng mọi người ăn thử. Tuy nhiên, bún và nước dùng "chẳng ăn nhập" gì với nhau, sợi bún cứng và nhạt nhẽo.
Mẻ đầu tiên thất bại, anh làm thêm hai mẻ nữa trong ngày nhưng thành quả không khác bao nhiêu. Hôm đó, Toàn phải bán rẻ hơn 500 kg bún hỏng cho những hộ nuôi heo gần nhà.
Liên tục bốn ngày sau đó, Lê Duy Toàn cùng các nhân viên nghiên cứu công thức, thử nghiệm thay đổi tỉ lệ bột gạo và nước ép dưa hấu nhưng sản phẩm vẫn không ngon, không đẹp. Bốn ngày đó cũng là những ngày Toàn phải ăn bún dưa hấu thay cơm. Đã có lúc, anh tính bỏ cuộc vì làm mãi chẳng thành công.
"Buổi sáng bước vào xưởng thấy trái dưa hấu là thấy ghét", anh Toàn kể. Nhưng phần vì tiếc công, tiếc của, phần trăn trở phải ráng thành công mới hi vọng giúp nông dân anh lại tiếp tục thử nghiệm. Bước sang ngày thứ tư, anh thử thêm lần nữa với việc sử dụng hết phần thịt dưa hấu trộn hỗn hợp với tỉ lệ 45% dưa hấu, 55% là bột. Cuối cùng anh cũng thành công, sợi bún thành phẩm có màu đậm hơn, mùi dưa hấu cũng rõ hơn, không còn đứt gãy như trước. Để đi đến thành công này, Toàn đã phải chịu 10 cuộc thử nghiệm thất bại.
"Thừa thắng xông lên", ông chủ trẻ tiếp tục nghiên cứu cách đưa thanh long vào bánh tráng. Ban đầu anh xay thanh long giữ nguyên hạt, trộn với bột để ép bánh tráng, nhưng sấy bánh xong hạt rơi ra để lại những lỗ li ti trên bề mặt khiến chiếc bánh không đạt tiêu chuẩn. "Những ngày đầu, hạt thanh long dính vào các kẽ máy khiến việc vệ sinh rất mất thời gian, mỗi ngày nhân công phải tăng ca thêm 2 tiếng để xịt rửa", anh Toàn nói.
Ở lần thử thứ hai, anh quyết định xay nát hạt để bề mặt bánh tráng ép ra láng hơn và khâu vệ sinh máy móc cũng nhanh hơn. Những khiếm khuyết đã được khắc phục, mặt hàng bánh tráng thanh long ra đời.
Tám ngày sau đó, anh Toàn tiếp tục hoàn thiện công thức và sản phẩm để cho ra sợi bún dưa hấu đẹp mắt, thơm ngon hơn. Anh gửi ngay sản phẩm cho đối tác ở Hàn Quốc chào hàng và nhận được đơn đặt hàng 4 tấn bún dưa hấu đầu tiên, góp phần tiêu thụ gần 10 tấn dưa hấu. Ở tuần thứ hai này, anh ký tiếp đơn hàng mới với khách hàng ở Nhật Bản và Úc.
Hiện tại, mỗi ngày anh Toàn sử dụng hơn một tấn dưa hấu để làm bánh tráng, bún, phở và khoảng 300 kg thanh long ruột đỏ để làm bánh tráng. Vốn chỉ tập trung vào xuất khẩu cho các thị trường nước ngoài , nhưng anh Toàn hi vọng sắp tới, những sản phẩm của mình sẽ có mặt trong các cửa hàng, siêu thị của Việt Nam nhiều hơn.
Tuy bún dưa hấu nhận được nhiều đơn hàng hơn, nhưng bánh tráng thanh long lại là sản phẩm khiến Lê Duy Toàn thích thú nhất bởi màu sắc tự nhiên của nó. "Thanh long ruột đỏ cho ra thành phẩm có màu sắc tự nhiên, đẹp mắt nhất trong những loại rau củ tôi đã thử nghiệm trước đây", anh nói. Vì sử dụng 100% nguyên liệu tự nhiên, nên vị giám đốc khuyên dùng sản phẩm trong vòng 8 tháng kể từ ngày sản xuất để giữ được màu và mùi vị tốt nhất, dù hạn sử dụng đến hai năm.
Phan Thị Quỳnh Như, một nhân viên trong xưởng của anh Toàn kể: "Tôi chưa bao giờ thấy anh Toàn háo hức, làm liên tục hằng ngày như vậy. Mỗi ngày ảnh cho ra 2 - 3 mẻ sản phẩm và cùng toàn bộ nhân viên ăn thử để rút kinh nghiệm".
Vị giám đốc 33 tuổi phân trần: "Tôi không muốn sản phẩm của mình được biết đến từ việc ‘giải cứu’. Tôi muốn trở thành đối tác với nông dân, giúp nông sản Việt có thị trường ổn định hơn". Lê Duy Toàn tin rằng, với chất lượng như hiện nay, trong thời gian tới bún dưa hấu và bánh tráng thanh long sẽ sớm chinh phục thị trường 42 nước trên thế giới mà sản phẩm của anh đã có mặt.
"Chỉ tình cờ thử nghiệm với nguồn nguyên liệu sẵn có, nhưng sản phẩm vẫn đạt tiêu chuẩn xuất đi những thị trường vốn khó tính như Nhật, Hàn... Tôi cảm thấy may mắn và biết ơn nông dân, nông sản Việt thật sự rất tốt", anh Toàn trải lòng.
Diệp Phan