Bangladesh, một trong số ít quốc gia Hồi giáo coi mại dâm là hợp pháp, có ít nhất 11 nhà thổ hoạt động tại đất nước 169 triệu dân. Thị trấn Daulatdia ở miền tây đất nước có một nhà thổ đã hoạt động hơn một thế kỷ, nhưng sinh kế của nhiều người hành nghề mại dâm đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa và nỗi lo lây nhiễm nCoV.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho một người hành nghề mại dâm ở Daulatdia, Bangladesh, ngày 18/8. Ảnh: AFP
Giới chức từ lâu đã cố gắng tiêm vaccine cho người hành nghề mại dâm ở đó nhưng gặp khó khăn do thiếu nguồn cung. Giới chức y tế bắt đầu tiêm mũi thứ nhất và thứ hai vaccine AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ cho gần 200 người bán dâm ở Daulatdia từ tháng hai. Nhưng họ không thể mở rộng chương trình sau khi New Delhi ngừng xuất khẩu.
Giới chức Bangladesh cho hay chương trình khởi động lại hôm 18/8, sau khi quốc gia này nhận được hàng triệu liều vaccine từ Trung Quốc và Mỹ theo sáng kiến Covax. "Hiện chúng tôi đã đủ nguồn cung", Asif Mahmud, giám đốc y tế của Daulatdia, nói.
Ông cho hay "rất hài lòng" khi chứng kiến một lượng lớn người đi tiêm trong thị trấn. Khoảng 400 mũi Sinopharm của Trung Quốc đã được tiêm hôm 18/8. Hiện họ chỉ tiêm vaccine cho người trên 25 tuổi nhưng nhiều người trong nhà thổ là trẻ vị thành niên.
Ruksana, 26 tuổi, người tiêm mũi đầu tiên, cho hay công việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh phong tỏa và khách hàng e ngại nhiễm nCoV. "Chúng tôi nhiều ngày phải nhịn đói. Người ta chết vì nCoV khắp thế giới nhưng chúng tôi chết vì đói", cô nói. "Chúng tôi hy vọng tất cả mọi người đều được tiêm vaccine và quay lại làm việc".
Bangladesh ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm và gần 25.000 ca tử vong, nhưng các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Giới chức hồi đầu tháng cho hay đã tiêm vaccine cho khoảng ba triệu người trong chiến dịch kéo dài một tuần, khi Bangladesh đối mặt làn sóng bùng phát lớn khiến chính quyền buộc phải áp lệnh phong tỏa toàn quốc.
Hồng Hạnh (Theo AFP)