Giới chức y tế Bangladesh hôm nay lần đầu tiên thông báo phát hiện ca nhiễm nCoV mang biến chủng Ấn Độ. Suốt nhiều tuần qua, nước này chủ yếu ghi nhận biến chủng Nam Phi ở bệnh nhân Covid-19. Biến chủng Ấn Độ được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn và khó khống chế bằng vaccine thế hệ đầu.
Biến chủng Ấn Độ xuất hiện giữa giai đoạn số ca nhiễm mới ở Bangladesh có xu hướng giảm trong hai tuần qua so với tháng 3 và đầu tháng 4. Xu hướng giảm này được cho là cơ hội để Bangladesh tăng tốc chủng ngừa Covid-19 và kiểm soát dịch, theo giới chuyên gia.
"Đây là thời điểm để tiêm ngừa, giữ lây nhiễm ở mức thấp và ngăn biến chủng mới xuất hiện", Senjuti Saha, nhà khoa học đang làm việc cho Quỹ Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em ở Bangladesh, cho biết.
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) từ đầu năm cam kết cung cấp cho Bangladesh 5 triệu liều vaccine/tháng với tổng đơn hàng 30 triệu liều vaccine trước tháng 6. Tuy nhiên, Ấn Độ phải ban lệnh cấm xuất khẩu vaccine trong tháng qua để đối phó khủng hoảng trong nước. Đến nay, SII mới gửi cho Bangladesh 7 triệu liều vaccine và đã hoãn giao hàng từ tháng 2.
Bác sĩ Mustafizur Rahman, nhà khoa học đang làm việc tại Dhaka, cảnh báo biến chủng Ấn Độ là mối đe dọa rất lớn với Bangladesh nếu nước này thiếu hụt vaccine. Dù hai nước đã đóng cửa biên giới, hàng hóa vẫn thông thương. Lượng xét nghiệm không đủ dẫn đến nguy cơ hệ thống giám sát dịch bệnh quốc gia còn điểm mù. "Chúng ta không thể loại bỏ kịch bản biến chủng Ấn Độ gây nên làn sóng lây nhiễm mới ở Bangladesh", ông đánh giá.
Lo sợ thiếu hụt vaccine, chính phủ Bangladesh từ cuối tháng 4 đã ngưng nhận đăng ký mới tiêm ngừa Covid-19. Quốc gia với 160 triệu dân đang chật vật tìm nguồn cung bổ sung lẫn công nghệ vaccine từ Nga và Trung Quốc. Họ cũng yêu cầu hỗ trợ từ Liên Hợp Quốc trước nguy cơ bùng phát lây nhiễm.
Từ tháng 3/2020, khi ca nhiễm nCoV đầu tiên được ghi nhận tại Bangladesh, nước này đã có hơn 770.000 ca dương tính và hơn 11.800 ca tử vong. Lệnh phong tỏa toàn quốc được tiếp tục đến ngày 16/5 và không loại trừ khả năng gia hạn. Dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp vì các hoạt động kinh doanh, chợ và giao thông địa phương trên thực tế vẫn tấp nập.
Trung Nhân (Theo AP)