17 thành viên Hội Linh mục Hỗ trợ Cơ đốc giáo, tổ chức phi lợi nhuận trụ sở ở Mỹ, cùng những người thân của họ hôm 16/10 bị bắt cóc tại Ganthier, phía đông thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Theo cảnh sát Haiti, thủ phạm tiến hành vụ bắt cóc là băng đảng có tên 400 Mawozo.
Gedeon Jean, giám đốc Trung tâm Phân tích và Nghiên cứu Nhân quyền ở Port-au-Prince, cho biết băng 400 Mawozo đã tiến hành 80% số vụ bắt cóc tại Haiti từ tháng 6 đến tháng 9, trong khi quốc gia nghèo nhất Tây Bán cầu này là nước có tỷ lệ bắt cóc trên đầu người cao nhất thế giới.
400 Mawozo có nghĩa là "400 gã khờ" trong tiếng Creole. Nhưng trên thực tế, băng đảng vũ trang này đã gieo rắc kinh hoàng khắp đất nước vì sử dụng những vụ cưỡng bức, ám sát, tấn công các băng nhóm đối thủ để duy trì quyền kiểm soát các khu phố, doanh nghiệp và cả giới chính trị gia Haiti.
400 Mawozo cũng được cho là liên quan đến vấn nạn mới đang gây lo sợ tại Haiti, là những vụ bắt cóc hàng loạt trên ôtô và xe buýt. Ngay cả những người đi thành nhóm đông với nhau cũng trở thành nạn nhân. Chúng còn nhắm mục tiêu vào các lãnh đạo tôn giáo và nhà thờ, "lằn ranh đỏ" đối với nhiều quốc gia vùng Caribe chủ yếu theo Công giáo.
Hồi tháng 4, băng đảng này đã bắt cóc 5 linh mục và hai nữ tu, trong đó có các công dân Pháp, và giam giữ họ trong điều kiện khắc nghiệt suốt ba tuần. Các trường Công giáo ở Haiti đã đóng cửa để phản đối. Các nạn nhân cuối cùng cũng được trả tự do, nhưng chưa rõ khoản tiền chuộc trị giá 1 triệu USD mà 400 Mawozo yêu cầu đã được trả hay chưa.
Michel Briand, linh mục Pháp sống tại Haiti nằm trong số những người bị bắt cóc, kể lại rằng băng đảng đã buộc xe của họ phải chuyển hướng trước khi tiến hành bắt cóc. "Họ nói rằng nếu chúng tôi không tuân lệnh, họ sẽ nổ súng", Briand cho hay.
400 Mawozo nhắm tới nhiều con mồi, từ các doanh nhân, cảnh sát đến người bán hàng rong. Chúng còn buộc những thanh niên sống trong địa bàn kiểm soát đánh đập con tin và tống tiền các cộng đồng, khiến thế hệ trẻ Haiti ngày càng sang chấn và dần vô cảm. Nhiều nạn nhân của băng đảng không phải mục tiêu bắt cóc ban đầu, mà chỉ là người qua đường.
Cảnh sát Haiti gần một năm trước phát lệnh truy nã Wilson Joseph, người được cho là thủ lĩnh của 400 Mawozo. Joseph có biệt danh "Lanmo Sanjou", theo tiếng Creole có nghĩa là "cái chết không biết ngày nào sẽ đến". Nghi phạm đối mặt hàng loạt tội danh như giết người, trộm cướp, chiếm đoạt tài sản và bắt cóc.
Tuy nhiên, sau khi lệnh truy nã được ban hành, 400 Mawozo lập tức thách thức khi đăng những video mô tả chi tiết một số tội ác mà băng đảng này đã tiến hành. Thủ lĩnh quyền lực thứ hai của 400 Mawozo được cho là Joly "Yonyon" Germine, hiện ở trong tù. Giới chức Haiti đang cố gắng đàm phán với người này.
Đối với cả người giàu lẫn người nghèo tại Haiti, thuộc địa cũ của Pháp và từng bị Mỹ chiếm đóng, bạo lực băng đảng và bắt cóc tống tiền đã trở thành bi kịch quen thuộc trong cuộc sống suốt nhiều thập kỷ. Giữa nền chính trị yếu kém và nạn đói nghèo triền miên, giới chính trị gia và doanh nhân Haiti lâu nay bị cáo buộc trông cậy vào các băng đảng để thực hiện mục tiêu của họ.
Khi nền kinh tế và chính trị của đất nước ngày càng rơi vào khủng hoảng, một số băng đảng dần trở nên tàn bạo và ngang nhiên hơn, phát triển thành một thế lực dường như không thể kiểm soát. Chúng đánh thuế điện, nước và xe buýt tại địa bàn kiểm soát, yêu cầu các doanh nghiệp vừa và nhỏ nộp phí bảo kê. Theo một số ước tính, các băng đảng hiện kiểm soát khoảng một nửa thủ đô Port-au-Prince.
Mặc dù những vụ bắt cóc không xa lạ ở Haiti, các nhà phân tích cho biết tình trạng gần đây là tồi tệ nhất trong nhiều năm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Haiti đã ghi nhận ít nhất 395 vụ bắt cóc, trong khi con số này cùng kỳ năm ngoái là 88, theo Trung tâm Phân tích và Nghiên cứu Nhân Quyền Haiti.
Tình hình thêm biến động vào tháng 7, khi tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ Thủ tướng lâm thời Ariel Henry, nhưng chính trị gia này bị cáo buộc có liên quan đến vụ ám sát cố tổng thống. Đến tháng 8, Haiti lại hứng chịu trận động đất mạnh 7,2 độ, khiến hơn 2.200 người thiệt mạng.
Người dân địa phương dường như không còn chịu đựng được tình trạng bạo lực khiến họ không thể kiếm sống và không dám để con cái đến trường. Croix-des-Bouquets, một trong những vùng ngoại ô Port-au-Prince hiện do 400 Mawozo kiểm soát, đã thành "thị trấn ma" sau khi cư dân chạy trốn.
Vài ngày gần đây, một số người bắt đầu ký bản kiến nghị phản đối tình trạng bạo lực băng đảng gia tăng, chỉ đích danh 400 Mawozo và kêu gọi cảnh sát hành động. Ngành giao thông vận tải cũng kêu gọi tổng đình công ở Port-au-Prince để phản đối các băng đảng và tình trạng mất an ninh.
Tuy nhiên, cảnh sát và chính trị gia Haiti được cho là quá yếu kém để ngăn chặn các băng đảng. Còn những nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và người dân Haiti tìm cách vạch trần những hành vi phạm tội lại có nguy cơ gặp nguy hiểm nghiêm trọng, khi trở thành mục tiêu của băng đảng hoặc thế lực bảo kê cho chúng.
Một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên cho biết nước này đang liên lạc với chính quyền Haiti để giải quyết vụ bắt cóc các thành viên hội truyền giáo và người thân, được cho là bao gồm 5 trẻ em. Trong bối cảnh số vụ bắt cóc gia tăng, giới chức cho hay các băng đảng đã tăng giá tiền chuộc từ vài trăm USD lên hơn 1 triệu USD.
Tình trạng bạo lực băng đảng và bắt cóc ngày càng trầm trọng buộc người dân Haiti phải đi đường vòng để tránh địa bàn do chúng kiểm soát, hoặc chọn cách đơn giản là ở nhà, đồng nghĩa với giảm thu nhập.
"Mọi người không còn ra đường nữa. Tôi cũng chẳng thể tìm được ai để phục vụ", Charles Pierre, tài xế taxi ở Port-au-Prince, cho hay.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post, NY Times, AP)