Hình ảnh runner sử dụng các loại băng dán nhiều màu dọc theo vai, dưới chân hoặc đầu gối ngày càng phổ biến ở các giải chạy. Loại băng này được gọi là băng dán cơ (hoặc băng KT) thường có tính đàn hồi, mỏng và trọng lượng nhẹ do được làm từ bông và lớp acrylic y tế.
Băng dán cơ được phát triển từ những năm 1970 bởi Kenzo Kase, một bác sĩ trị liệu thần kinh cột sống ở Nhật Bản. Băng này mô phỏng độ đàn hồi của da người, giúp hỗ trợ cơ thể trong quá trình vận động mà không hạn chế chuyển động. Tuy có công dụng thực tế và rất an toàn, băng dán cơ chỉ được sử dụng bởi VĐV chuyên nghiệp hay các nhà vật lý trị liệu từ Olympic 2008. Khi ấy, hình ảnh VĐV bóng chuyền Kerri Walsh mang băng dán cơ trên vai rồi giành HC vàng đã tạo hiệu ứng truyền thông, khiến loại băng này trở nên phổ biến như hiện nay.
Băng thể thao truyền thống được làm bằng bông, vì vậy không có khả năng kéo giãn như băng dán cơ. Băng dán cơ có thể kéo dài tới 40% chiều dài ban đầu mà vẫn giữ được độ đàn hồi, nên không gây cản trở chuyển động của cơ thể. Các thành phần dược tính trong băng dán cơ cũng được thiết kế chống nước, vì vậy chúng có thể duy trì trong 3 đến 5 ngày dù bạn có ra mồ hôi hay đi tắm. Khi dán vào cơ thể, chúng sẽ hơi rút lại và nâng phần da lên một chút. Cơ chế này sẽ tạo ra một khoảng cách rất nhỏ giữa da người dùng và phần cơ bên dưới.
Cơ chế hoạt động của băng dán cơ được tạo cảm hứng từ việc cơ thể có khả năng tự chữa lành nếu được hỗ trợ thích hợp. Khi dán băng lên người, da sẽ nhô lên một chút, tạo ra phần không gian với các mô bên dưới. Phần không gian này sẽ kích thích sự lưu thông của máu và bạch huyết. Dẫn lưu bạch huyết tăng lên sẽ tăng cường tiêu diệt vi khuẩn, virus và các vật thể lạ khác. Quá trình bơm máu thông thoáng hơn sẽ giúp cơ thể hoạt động tốt hơn.
Băng KT cũng có khả năng tăng cường sức mạnh cơ bắp. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi sức mạnh cơ bắp được gia tăng ở vùng sau cổ, đùi hoặc một số khu vực khác, sẽ làm giảm cảm giác đau, tăng tính ổn định và phòng tránh chấn thương sau này. Băng này giảm viêm và thư giãn cơ bắp, từ đó giảm tình trạng co thắt cơ, một trong những nguyên nhân chính gây đau.
Băng dán cơ cũng có công dụng về mặt tinh thần. Chúng thường mang màu sắc sặc sỡ, góp phần giúp bạn có suy nghĩ tích cực trong lúc điều trị cũng như trong cuộc sống. Băng dán cơ cũng có nhiều hình dáng khác nhau, từ đó mang cộng dụng khác nhau. Ví dụ, băng chữ Y thường để bao quanh vùng cơ cần cải thiện vận động, băng chữ I giúp giảm đau, giảm chấn thương và chỉnh hình. Băng chữ X hỗ trợ các cơ thay đổi hình dạng trong quá trình vận động, băng hình quạt dùng cho những phần cơ bị sưng, phù nề còn băng hình vòng cũng để chữa sưng nhưng sẽ tập trung vào phần cơ bên trong vòng.
Trong chạy bộ, băng dán cơ có thể hỗ trợ điều trị trong một số trường hợp. Đầu tiên, nếu bạn bị quá tải các cơ phía trước của chân, hãy băng từ gần đầu gối xuống gần gốc ngón chân cái. Sau đó, băng thêm những đoạn theo chiều ngang, phủ các vùng bị đau trên ống chân.
Nếu bị đau gối, băng hai dải từ cơ đùi trước và sau, sau đó kéo chúng xuống hai bên của đầu gối để tạo thành hình giọt nước. Sau đó, đặt một dải khác chạy qua khu vực nắp đầu gối, ngang qua hai dải còn lại.
Nếu bị đau gót chân, bạn có thể đã làm quá tải các mô liên kết từ gót chân đến gốc các ngón chân. Nếu bị như vậy, dùng băng dính dọc theo dưới bàn chân, sau đó dùng một dải băng khác chạy qua dải đầu tiên ở vùng vòm dưới bàn chân.
Ngoài ra, nếu bị đau các vùng khác, bạn có thể dùng một dải băng cắt theo hình chữ Y để dán xung quanh vùng đó để hỗ trợ.
Để sử dụng băng dán cơ một cách có hiệu quả, trước tiên, bạn cần vệ sinh vùng da được dán. Nên dùng nước hoặc cồn 90 độ để làm điều này. Nếu băng bị ướt, hãy dùng khăn khô để lau. Nếu vùng da có kem, dầu hay lớp trang điểm, hãy lau sạch rồi mới dán băng lên.
Cố gắng đừng chạm đến mặt dính keo vì sẽ làm giảm độ bám. Nếu băng dán của bạn thuộc loại cuộn, hãy cắt bo tròn các góc băng. Những góc tròn này sẽ hạn chế bong tróc do băng cọ xát vào quần áo. Nếu là loại cắt sẵn, bạn chỉ cần dán chúng cẩn thận lên da.
Có hai cách để dán băng. Một là dán từ điểm gốc đến điểm cuối tùy theo vết đau. Đây là kiểu phổ biến. Lưu ý không xé hết phần giấy sau mà xé một phần để dán xuống điểm gốc rồi mới lột hết giấy. Cách thứ hai là dán căng ở vùng trung tâm, thường dùng ở vùng đau hay điểm nóng. Kéo căng phần trung tâm của miếng băng trước khi dán vào da. Sau đó, bạn dán 2 điểm gốc mà không kéo căng. Gấp miếng dán làm đôi với 2 mặt giấy đối diện nhau. Xé phần giấy theo nếp gấp. Kéo nhẹ điểm gốc để làm căng phần trung tâm. Dán dính vào da và loại bỏ lớp giấy.
Băng dán cơ sẽ bắt đầu bong ra sau từ ba đến năm ngày. Bạn có thể tháo nhẹ chúng theo chiều lông mọc để giảm cảm giác đau. Nếu muốn nhẹ nhàng hơn, bạn có thể thoa dầu ô liu hoặc lotion để làm lỏng miếng băng. Nếu da bị đỏ hoặc ngứa vì sử dụng băng dán, hãy ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Thúy Hạnh