"Ngày trước, cha mẹ đứa em họ của tôi phải bán một miếng đất của gia đình, được 150 triệu đồng cho con lên Sài Gòn học đại học. Sau mấy năm học, em ra trường và đi làm. Sau gần chục năm, em dành dụm hết sức được 4,5 tỷ đồng. Đem số tiền đó về quê nhà để hỏi mua lại miếng đất khi xưa, em giật mình khi biết bây giờ nó đã có giá lên tới 26 tỷ đồng. Đó là năm 2017, chứ giờ giá đất còn lên gấp rưỡi như thế.
Vậy là em chẳng thể mua lại mảnh đất của gia đình dù đã có bằng cấp trong tay, công việc đàng hoàng. Lâu lâu, tôi lại gặp em vào ngày lễ, giỗ chạp... Mỗi khi đó, tôi lại nghe em nói đùa chua chát: 'Hồi đó mà em chọn đi nghĩa vụ quân sự, rồi về vào công ty làm, nhà đất cứ để đó cho lên giá vài chục lần, thì có khi giờ em đã là đại gia rồi cũng nên'.
Cũng cách đây mấy hôm, tôi có dịp ngồi nói chuyện với một chú lớn tuổi trong xóm. Chú than thở: 'Giờ cái bằng đại học chẳng còn mấy giá trị nữa'. Chú kể con trai chú tốt nghiệp một trường đại học lớn về kinh tế trên TP HCM đã được gần hai năm, thế nhưng bây giờ vẫn đang làm shipper vì chẳng xin nổi việc đúng chuyên môn trên thành phố.
>> Tôi xin được việc với bằng đại học trung bình, kinh nghiệm bằng không
Con gái chú cũng tốt nghiệp đại học, nhưng giờ lại làm phiên dịch tiếng Hoa, chẳng liên quan đến chuyên ngành được đào tạo. Thực tế, công ty tuyển em không phải vì tấm bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, mà là vì cái bằng tiếng Trung học thêm của em.
Nói thế để thấy một thực tế đáng buồn khi bằng đại học ở Việt Nam ngày một mất giá. Chẳng có gì đảm bảo một sinh viên sau bốn, năm năm học, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân trong tay, có thể chắc chắn kiếm được một công việc đúng chuyên môn.
Nhưng nếu ai đó hỏi tôi 'có muốn đầu tư tiền bạc để cho con cái học đại học hay không?' thì câu trả lời vẫn sẽ là 'có' dù nguy cơ thất nghiệp hoặc làm trái ngành vẫn hiện hữu. Bởi với tôi, học đại học không chỉ để sau này kiếm được một công việc lương cao. Tri thức mới chính là thứ tài sản vô hình mà mỗi người có được ở bậc học này. Và đó là thứ mà không tiền bạc nào mua được cả".
Đó là chia sẻ của độc giả TikTak xung quanh câu chuyện "Bằng đại học mất giá". Nhiều ý kiến cho rằng bằng đại học ngày càng đắt đỏ (thậm chí nhiều trường học phí tăng thẳng đứng) nhưng lại mất giá (60% sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc phù hợp, phải chấp nhận công việc thu nhập thấp hay trái ngành). Hiện tượng này có thể càng trầm trọng hơn trong những năm qua vì không có giải pháp ứng đối.
- Sinh viên năm nhất 'sốc đại học' vì xét tuyển học bạ
- Tôi đổi đời nhờ làm Sales thay vì sống chết với đam mê Sinh học
- Tôi không để con chọn đại học theo ý thích rồi về báo nợ tiền tỷ
- Học đại học trái ngành vẫn 'đè bẹp' người không bằng cấp
- Gần 20 năm đổi ba đại học nhưng vẫn làm trái ngành
- 'Kỹ sư sáu năm ra trường nhưng lương bằng người bỏ học'