Mấy ngày nay Sài Gòn mưa nhiều, bệnh viêm phổi do dị tật bẩm sinh trở nặng khiến bé Trần Văn Huy đau đớn khóc suốt. Mẹ cháu là Nguyễn Thị Bích Hạnh mới 24 tuổi, cho biết bé Huy nhập viện Nhi Đồng 2 TP HCM từ cuối tháng 3 đến nay.
"Huy còn bị hở hàm ếch bẩm sinh. Cách đây mấy tháng cháu đã được phẫu thuật lá phổi bên phải. Dự tính sáng thứ tư này Huy sẽ được mổ lá phổi còn lại nhưng bé lại lên cơn sốt, thở mệt nên phải cấp cứu thở ôxy. Bác sĩ bảo sức khỏe cháu yếu như thế chưa thể phẫu thuật tiếp được", người mẹ nói.
Bác sĩ điều trị cho bé Huy tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh nhi bị viêm phổi nặng, sức khỏe lại rất yếu nên phải nằm viện liên tục để theo dõi. Hơn nữa do ảnh hưởng từ dị tật hở hàm ếch nên bệnh phổi càng khó khỏi hơn, khả năng bệnh này phải điều trị từ 5 đến 10 năm mới dứt điểm. Hiện tại bệnh nhi còn yếu nên phải đặt ống truyền thức ăn trực tiếp vào dạ dày cho bé.
Chị Hạnh có 2 đứa con mang 2 dòng máu khác nhau. 4 năm trước, ở tuổi 20, Hạnh lỡ "vượt rào" có con với bạn trai khi đang là sinh viên một trường cao đẳng tại TP HCM. Cả hai cưới nhau. Chồng trẻ tuổi, ham chơi không lo cho gia đình lại ngoại tình khi vợ đang mang thai nên Hạnh quyết định trở về nhà mẹ ở Tánh Linh, Bình Thuận, tá túc. Từ đó 2 vợ chồng cắt đứt liên lạc, một mình Hạnh bươn chải nuôi con gái nhỏ.
Cuộc sống ở quê khó khăn, bé gái bị bướu máu nên mặt sưng đỏ, người mẹ đưa con vào Sài Gòn kiếm sống. Trong thời gian làm phục vụ ở một nhà hàng, chị gặp đồng nghiệp là anh Trần Văn Hưng (27 tuổi, quê Phú Yên), 2 người yêu thương và quyết định đến với nhau. Họ tổ chức một bữa tiệc cưới giản dị với sự tham dự và ủng hộ hết lòng của 2 bên gia đình.
"Những tưởng cuộc sống từ nay đã ổn, không ngờ số phận trớ trêu khi tôi sinh đứa con trai bị sứt môi trên, sức khỏe lại rất yếu ớt. Bác sĩ cho biết bé bị dị tật phổi bẩm sinh khó chữa và rất tốn kém", giọng người mẹ chùng xuống.
Hơn 5 tháng qua kể từ khi con nhập viện tại khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cũng là thời gian gia đình lao đao về những khoản nợ viện phí. Chị Hạnh phải gửi con gái lớn cho ông ngoại trông để ở lại bệnh viện chăm con, còn chồng về quê làm phụ hồ kiếm tiền gửi lên đóng viện phí cho con. Lúc hết việc thì anh vào Sài Gòn đến Bệnh viện truyền máu và Huyết học bán máu lấy tiền.
"Mỗi lần bán máu được 380 nghìn đồng. Bác sĩ bảo tôi ốm yếu quá nên không thể lấy máu thêm được, chứ tôi muốn bán càng nhiều càng tốt để lo tiền chữa bệnh cho con", ông bố trẻ gương mặt khắc khổ bộc bạch.
Để có thêm thu nhập, tranh thủ lúc con nằm phòng hồi sức không vào thăm được, chị Hạnh xách giỏ đồ nghề đi làm móng dạo quanh bệnh viện, mỗi ngày kiếm vài chục nghìn đồng mua bột và sữa cho con.
Thi Trân