Sinh ra và lớn lên ở ấp 2, xã Xuân Đường (Cẩm Mỹ, Đồng Nai), từ nhỏ anh Nguyễn Duy Khánh (31 tuổi) đã gắn bó với nghiệp ve chai (đồng nát). Mấy đời cha ông nghèo vẫn hoàn nghèo, đến mình cũng chẳng khá hơn khiến chàng thanh niên ở tuổi bồng bột nhiều lần nghĩ quẩn, bất cần, thậm chí từng 2 lần vào tù vì tội gây gổ, đánh nhau. Sau khi lấy vợ, anh vẫn theo nghề ve chai với quyết tâm đổi đời thì gặp nạn. Lúc ấy, đứa con gái nhỏ của anh vừa tròn 2 tuổi.
"Tôi nhớ như in ngày 27/4/2010, tôi và người anh cọc chèo vào rừng cao su rà miểng bom. Đào được một quả bom, mừng lắm, chúng tôi đưa về nhà đục ra để phân loại đồng, sắt bán riêng sẽ được giá hơn. Không ngờ, bom phát nổ, anh ấy tử vong tại chỗ, đứa cháu 2 tuổi ngồi gần đó bị miểng găm vào phổi, còn tôi khi tỉnh dậy mới biết mình bị thế này", người đàn ông nước da ngăm đen nói.
Sau tai nạn, không còn sức khỏe để theo nghề ve chai, anh Khánh chuyển sang bán vé số dạo kiếm sống và nuôi gia đình. Có người tốt bụng tặng cho chiếc xe lắc tay, từ đó đến nay đã gần 4 năm, mỗi ngày anh đều dậy sớm, lăn xe đến hang cùng ngõ hẻm trong xã để bán "vận may" cho người. "Ngày nào thuận lợi thì bán được 50 tờ. Có hôm trời mưa chỉ bán được một nửa, tôi phải mang về nhà nhờ vợ đạp xe đi bán dùm", anh kể.
Đang là trụ cột kinh tế của gia đình bỗng trở thành gánh nặng, phải sống nương tựa vào người vợ gầy yếu, sĩ diện người đàn ông khiến anh tủi thân rồi đâm ra chán nản, quẫn bách. Nhiều khi anh cố tình hắt hủi vợ để chị có cớ ly dị và lấy chồng khác cho đỡ khổ. "Thấy cô ấy vẫn yêu thương mình, tôi cố gắng làm để vợ con bớt khổ, nhưng ngặt nỗi chân tay thế này cũng chẳng giúp được gì nhiều", người đàn ông nói mà đôi mắt đỏ hoe.
Vợ anh Khánh là chị Đặng Thị Mai (32 tuổi). Dáng người còm cõi lại bị lãng tai, viêm xoang và nhiều chứng bệnh khác, song vì gia cảnh nghèo khó, chị vẫn hàng ngày đạp xe đi mua ve chai. Thu nhập trung bình ngày chỉ 70-80 nghìn đồng, hôm nào được vài trăm nghìn chị mới dám mua thịt cá về cho bữa ăn gia đình đầy đủ dinh dưỡng hơn.
Cưới nhau đã hơn 6 năm mà chưa được một ngày sung túc trọn vẹn, chị Mai cười bảo: "Nhiều khi cũng buồn, nhưng lại nghĩ vì chồng, vì con nên càng cố gắng làm việc. Hơn nữa lấy nhau rồi cũng là duyên số, đâu thể vì khó khăn, bệnh tật mà bỏ nhau được".
Người phụ nữ quê gốc miền Trung cho biết, mấy năm trước nhờ xã cho vào diện hộ nghèo nên gia đình chị được trợ cấp vài trăm nghìn đồng mỗi tháng và đứa con gái duy nhất được học mẫu giáo miễn phí. "Nay đã hết hạn trợ cấp nên cuộc sống gia đình tôi khó khăn hơn nhiều, cháu đi học không còn được miễn phí. Tôi sợ cứ thế này thì không thể tiếp tục lo cho con đi học được nữa", người mẹ trẻ trầm tư.
Gần đây chị Mai mắc bệnh bướu sợi tuyến vú, nếu không phẫu thuật kịp thời có nguy cơ chuyển sang ung thư. "Nghe tin, vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc, tôi thực sự không biết phải làm sao", chị bộc bạch.
Bà Loan, một người hàng xóm sống gần nhà chị Mai kể, ở làng ai cũng biết hoàn cảnh đáng thương của gia đình này. "Bà con chòm xóm thấy thương nên người giúp đỡ ký gạo, người cho ít tiền mua thuốc chữa bệnh. Khổ nỗi ở đây ai cũng nghèo nên không giúp được gì nhiều", bà nói.
Mấy năm qua, chính quyền Ấp 2, xã Xuân Đường đã vận động mạnh thường quân giúp đỡ anh Khánh mỗi tháng vài trăm nghìn đồng theo diện tàn tật. "Xã đưa gia đình anh chị ấy vào diện nghèo để cháu bé được đi học miễn phí, nhưng nghe nói trường mầm non không chấp nhận cho miễn phí nữa, chúng tôi cũng không can thiệp được. Hiện tại địa phương còn nhiều hộ nghèo nên sự giúp đỡ của chính quyền cũng chỉ có giới hạn thôi", ông Trần Quang Phi, Trưởng ấp 2 cho biết.
Trầm ngâm nghĩ về tương lai đầy khó khăn, chị Mai tâm sự, hiện tại động lực lớn nhất giúp anh chị vượt qua gian nan, bệnh tật là đứa con gái 5 tuổi thông minh, ngoan ngoãn và rất mực yêu thương cha mẹ. Cô bé Thùy Dương với nụ cười tươi, hàng răng sún, đã thuộc được rất nhiều bài hát, trong đó em thích nhất bài "Gánh hàng rong" mà mẹ hát ru mình từ nhỏ. Và Dương cất tiếng hát buồn: "Với đôi gánh hàng rong nuôi lớn đời tôi từng ngày, khắc ghi mãi vào tim không phút nào quên. Có đôi gánh hàng rong tôi bước vào trong cuộc đời, tiếng ru thuở còn trong nôi là tiếng rao nuôi lớn đời tôi...".
Thi Ngoan