Đọc thông tin về việc dự kiến hạn chế phương tiện ở Hà Nội, thật nhiều câu hỏi và sự trăn trở lại xuất hiện trong tôi. (Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tiến tới dừng ở các quận vào năm 2030 (theo nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017).Trước đó, Hà Nội cũng từng tìm phương án cấm xe máy từ vành đai 3 vào nội đô sau năm 2025 mà không khả thi.
Xin đừng "vừa làm vừa dòm", cần nhìn đúng và trúng hiện trạng của thủ đô để đưa ra các phương án, lộ trình hợp lý nhất", một người bạn của tôi đang làm kiến trúc sư trong lĩnh vực quy hoạch vùng và đô thị bày tỏ.
Anh này cũng đưa ra ví dụ, nhìn vào bài học từ nhiều dự án khác của Thủ đô như: dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông: qua 5 đời Bộ trưởng, 13 năm dai dẳng với 12 lần trễ hẹn và kỷ lục về "đội vốn" mới chính thức được vận hành sau một thập kỷ xây dựng. Hay như tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Thượng Đình được chấp thuận đầu tư năm 2008 nhưng đến nay chưa xây dựng. Mới đây, TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh dự án, theo đó tổng vốn đầu tư tăng từ 19.555 tỉ đồng lên 35.588 tỉ đồng.
Không nói các dự án cao siêu gì, ở những dự án "bình dân" hơn - như chuyện triển khai mô hình thùng rác công nghệ tiêu tốn đến 200 tỉ tại Hà Nội vào năm 2019 - đến nay nhìn lại thấy mô hình này chưa thực sự phát huy hết tác dụng, thậm chí có nơi còn xuống cấp, bị bỏ phí.
Và còn đó thật nhiều dự án khác chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng và đang có dấu hiệu lãng phí - nhất là lãng phí về thời gian vẫn đang tồn tại ở thủ đô. Vậy nên lần này, dù mục đích hướng đến giao thông xanh là tốt đẹp và ai cũng mong đợi. Dự kiến cấm xe máy ở các quận Hà Nội vào năm 2030 khiến người dân hoài nghi vào tính khả thi là điều hoàn toàn khó tránh khỏi.
Nên nhìn đúng thực trạng của thủ đô. Có một thực tế không thể phủ nhận tại Hà Nội: xu hướng dân số già hóa và hàng năm lượng người ngoại tỉnh đổ dồn về để học tập và mưu sinh không đếm xuể, hầu như ai cũng có tư tưởng muốn bám trụ lại lập nghiệp nơi mảnh đất phồn hoa này với nhiều hy vọng, khát khao. Và bởi dân số đông - diện tích đường phố thì hạn hẹp nên giao thông ùn tắc liên miên mọi lúc mọi nơi - chẳng cứ giờ cao điểm.
Cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội theo quan sát trong suốt 20 năm qua của tôi - hầu như không có nhiều thay đổi. Cứ thử một lần "được" chìm nghỉm vào giữa đám đông ngột ngạt của hơi nóng từ mặt đường bốc lên và nắng gắt từ trên đầu dội xuống, của khói xe cùng tiếng động cơ, tiếng còi bấm inh ỏi theo từng chiếc xe máy cố chen lên từng milimet đường.
Những chiếc ô tô (từ xe con 4 chỗ, 7 chỗ cho đến xe buýt, xe tải cồng kềnh) cũng không chịu thua kém, tìm cách len lên, rồi đôi khi xoay ngang xe để rẽ hoặc quay đầu một cách rất thản nhiên và vô lý khiến đã ùn tắc lâu lại càng thêm lâu, bạn sẽ cảm nhận được độ nóng của phố phường Hà Nội ngày hè...
Và điều quan trọng hơn, xe máy chính là phương tiện di chuyển, mưu sinh chính của phần đông người dân thủ đô. Việc cấm xe máy sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy phát sinh về đời sống, kinh tế nếu không có giải pháp thực sự thỏa đáng và triển khai đồng bộ, từ từ.
"Đặc thù đường sá Hà Nội nhỏ hẹp nhiều, ô tô khó vào, còn với xe máy thì dễ dàng di chuyển hơn ở các đường nhánh, đường hẹp. Giao thông công cộng lại chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân - thì người dân đi lại, làm ăn bằng gì?" - Anh bạn kiến trúc sư quy hoạch vùng và đô thị của tôi thở dài.
Hà Nội ô nhiễm - có phải chỉ từ xe máy? Một thực tế ai cũng thấy những năm gần đây, trên các tuyến phố Hà Nội hầu như chẳng trồng thêm được cây xanh và làm thêm được hồ nước, chỉ thấy toàn đốn cây và lấp hồ để xây các công trình xây dựng kéo dài nhiều năm khiến không gian sống di chuyển tại Hà Nội càng thêm chật chội, ô nhiễm.
Đôi lúc, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Sao tư duy quy hoạch của những nhà quản lý quy hoạch ở các thành phố lớn lại cứ loay hoay và khá kỳ quặc vậy nhỉ? Trong khi bao nhiêu thành phố khác trên thế giới "thèm" nhiều cây xanh, hướng đến không gian xanh, gần gũi và hòa nhập với thiên nhiên, thì ở mình lại hướng đến những khối bê tông xù xì, thích những gì nhân tạo hơn là tự nhiên.
Giao thông xanh cần bắt đầu từ hạ tầng xanh, hướng tới giao thông xanh cho Hà Nội là điều bất kỳ ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, có lẽ vẫn cần đi từ gốc: Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẵn sàng phục vụ. Khi cấm xe cộ cá nhân thì phải có xe thay thế, phương tiện công cộng phải sạch, tiện lợi. Hạ tầng trạm sạc phục vụ xe điện cũng cần được xây dựng với các điểm dừng đỗ xe và kết nối giao thông phù hợp.
Đồng thời phải đảm bảo cung ứng nguồn điện, nguồn năng lượng xanh đầy đủ cho các hệ thống trạm sạc và trạm nạp, đáp ứng kịp thời khi các hệ thống này được lắp đặt và đưa vào vận hành.
Chỉ khi cơ sở hạ tầng được nâng cấp, mở rộng, các phương tiện giao thông công cộng vận hành tốt, xe buýt chạy chất lượng hơn, nhiều tuyến và đúng giờ thì nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng của người dân tự động tăng lên, dần dần sẽ bỏ bớt xe máy, ô tô
Lương An Nhiên