Kim Jong-un trong chuyến thị sát một khu vực quân sự ở Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Tình hình trên bán đảo ở Đông Bắc Á bắt đầu xấu đi khi Triều Tiên tiến hành phóng một tên lửa tầm xa hôm 12/12. Trong khi Bình Nhưỡng liên tục khẳng định, hành động này chỉ nhằm mục đích hòa bình, thì các chuyên gia Mỹ, dù không muốn, đã phải thừa nhận rằng, Triều Tiên đã thành công trong việc đưa một vệ tinh nhỏ lên không gian. Đây là điều mà nước láng giềng Hàn Quốc vẫn chưa thể làm ở thời điểm đó.
Phía Mỹ và các đồng minh sau đó cho rằng, Triều Tiên có khả năng sẽ phát triển tên lửa đạn đạo, đồng thời yêu cầu Liên Hợp Quốc thắt chặt các lệnh trừng phạt. Đáp lại, Bình Nhưỡng bày tỏ thái độ cứng rắn và tiếp tục thực hiện một cuộc thử hạt nhân hôm 12/2, bất chấp sự phản đối của chính đồng minh thân cận nhất là Trung Quốc.
Trước tình hình đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 7/3 đã nhất trí thông qua một lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên, trong đó bao gồm việc giám sát các giao dịch tài chính mờ ám của chính quyền quốc gia bí mật nhất thế giới.
Động thái này, thay vì ngăn chặn, lại càng khiến Triều Tiên thêm nóng giận, bằng cách hủy bỏ hiệp ước đình chiến năm 1953 và tuyên bố tình trạng chiến tranh với Mỹ, đồng minh của Hàn Quốc.
Không chỉ dừng tại đó, quân đội Triều Tiên còn tuyên bố, họ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ.
Triều Tiên thực sự muốn gì?
Các thông tin về nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên, Kim Jong-un, vẫn là một dấu hỏi đối với giới phân tích. Triều Tiên từng nhiều lần thể hiện mong muốn được công nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, thứ được xem như điều kiện tối quan trọng để đảm bảo sự tồn vong của nước này. Tuy nhiên, phía Mỹ chưa từng chấp thuận điều đó.
Một số chuyên gia tin rằng, Triều Tiên đã lên kế hoạch hành động trùng với lễ nhậm chức của tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, một người theo chiều hướng bảo thủ.
Một binh sĩ Hàn Quốc canh gác ở gần khu vực phi quân sự giữa hai nước hôm qua. Ảnh: AFP |
Nguy cơ chạy đua vũ trang
Tính tới thời điểm này, tất cả những gì nước Mỹ đã làm là gia tăng sự hiện diện của quân đội nước này ở Hàn Quốc, thông qua cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Foal Eagle". Từ nhiều năm nay, phía Triều Tiên đã cáo buộc đây là động thái nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh, nhưng đây là lần đầu tiên, Bình Nhưỡng đẩy mọi việc đi xa tới mức này.
Mỹ đang từng bước công bố tiềm lực quân sự của mình, đặc biệt là với sự xuất hiện của oanh tạc cơ tàng hình B-2. Quan chức Mỹ cho hay, việc này chỉ nhằm trấn an đồng minh Hàn Quốc, tuy nhiên, chính những động thái này lại đang chọc tức Bình Nhưỡng.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, Triều Tiên hoàn toàn có khả năng tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là nếu Washington không trợ giúp các đồng minh.
Theo ước tính của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, tên lửa Rodong-1 của Triều Tiên có tầm bắn 1.300 km. Ngoài ra, nước này còn sở hữu tên lửa Musudan, loại vũ khí về lý thuyết có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách từ 3.000 tới 4.000 km, mặc dù Triều Tiên chưa bao giờ phóng thử loại tên lửa này.
Khả năng tấn công của Mỹ
Mỹ hiện duy trì 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc và khoảng 50.000 lính tại Nhật Bản. Washington cũng sở hữu gần 6.000 quân ở Guam, một căn cứ quân sự được trang bị máy bay ném bom và tàu ngầm, cùng 50.000 binh sĩ ở Hawaii.
Ngoài ra, Mỹ còn duy trì hơn 40 tàu hải quân thường xuyên túc trực trên Thái Bình Dương. Con số này vẫn sẽ tiếp tục được gia tăng, như một phần trong chiến lược hướng đông của chính quyền Tổng thống Obama.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng sở hữu tàu sân bay USS George Washington, hai tàu tuần dương và 7 tàu khu trục ở căn cứ quân sự Yokosuka, phía nam Tokyo, Nhật Bản. Tàu sân bay USS John Stennis cũng đang tạm thời trú chân ở Singapore trên đường trở về từ một nhiệm vụ ở vùng Vịnh.
Thay vì nguy cơ chiến tranh, hầu hết các chuyên gia lại đang lo ngại về khả năng tính toán sai của Bình Nhưỡng.
Lịch sử đã chứng minh, rằng Bình Nhưỡng thường xuyên tiến hành những động thái bất ngờ trước ngày 15/4, sinh nhật của cố chủ tịch khai quốc Kim Nhật Thành, cha của cố lãnh đạo Kim Jong-il và là ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo ông Siegfried Hecker, thuộc đại học Stanford, Mỹ, Bình Nhưỡng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như một công cụ gây chiến, một thứ có thể "dẫn tới một chuỗi các phản ứng quân sự mang tính phá hủy và sẽ là dấu chấm hết cho chế độ của Kim Jong-un". Năm 2010, Hecker từng cho rằng Triều Tiên đang sở hữu một cơ sở làm giàu uranium.
Quỳnh Hoa (Theo AFP)