Chính sách bên miệng hố chiến tranh của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, với những vụ phóng thử tên lửa, chặn đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc và tái khởi động lò phản ứng hạt nhân, cùng nhiều động thái khiêu khích khác, đang khiến bán đảo Triều Tiên rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.
Phản ứng của Mỹ, cho tới thời điểm này, chỉ là tăng cường sự xuất hiện của những vũ khí tối tân ở khu vực Hàn Quốc, trong khi liên tiếp đưa ra những bình luận mang tính tiêu cực, vừa phê phán vừa hạ thấp mối đe dọa đến từ Bình Nhưỡng. Những hành động đó, trước mắt, sẽ không thể ngăn chặn nguy cơ của một cuộc chiến tranh liên Triều.
Mặc dù đều thống nhất về mục tiêu, rằng Washington nên nhanh chóng thay đổi cách thức ứng phó với Triều Tiên, nhưng giữa việc phớt lờ, trừng phạt hay tha thứ, liệu nước Mỹ sẽ chọn phương án nào, để có thể khiến Bình Nhưỡng "chơi đẹp"?
Quân đội Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Phớt lờ
Thói quen phô diễn sức mạnh của Mỹ trước Triều Tiên, theo ông Doug Bandow, một nghiên cứu sinh cao cấp tại Viện Cato, Mỹ, chỉ càng khiến Bình Nhưỡng thêm quyết tâm. Giống như rất nhiều chuyên gia đầu ngành, ông tin rằng, cách phản ứng tốt nhất mà Nhà Trắng có thể thực hiện trước các đe dọa từ Triều Tiên, chính là phớt lờ chúng.
Việc Mỹ điều hàng loạt chiến hạm, máy bay, tàu ngầm tới khu vực biển Hoàng Hải, "chỉ làm họ gia tăng các hành vi khiêu khích", Bandow nói.
“Nó giúp họ có được sự quan tâm của dư luận thế giới, rằng một quốc gia nghèo nàn, đói khổ như Triều Tiên, lại có thể khiến các siêu cường phải lo lắng."
Vì thế, Bandow cho rằng, tốt nhất là Mỹ nên "hành động như thể chúng ta không quan tâm tới họ".
Theo Bandow, mặc dù liên tục đưa ra những lời lẽ và hành động khiêu chiến, nhưng "xét trên nhiều góc độ, rất khó để tưởng tượng liệu Kim có thể gây ra những mối đe dọa như thế nào".
"Họ không thể tự mình lao vào chỗ chết", ông nói về chính quyền Bình Nhưỡng. Nhưng Triều Tiên sẽ "dễ dàng mắc sai lầm" trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang nhanh chóng như hiện tại, Bandow nói thêm.
Do đó, giải pháp tốt nhất mà Washington có thể thực hiện ngay lập tức, theo Bandow, đó là buông tha cho Bình Nhưỡng.
Trừng phạt
Trái với học giả Bandow, Gordon Chang, tác giả cuốn sách "Nuclear Showdown: North Korea Takes on the World" (tạm dịch: "Tranh cãi Hạt nhân: Triều Tiên thách thức thế giới"), lại cho rằng, việc phớt lờ các mối đe dọa đến từ Triều Tiên sẽ gây ra những sai lầm khủng khiếp. Theo ông, nước Mỹ nên có những động thái chống lại tham vọng hạt nhân của Kim Jong-un.
Ông nói oanh tạc cơ tàng hình B-2 và máy bay siêu thanh F-22 nên tiếp tục được duy trì ở khu vực Đông Á. Chang cũng cho rằng, những thông điệp mang tính động viên, an ủi vẫn được Washington gửi tới Hàn Quốc, chỉ càng khiến bản thân nước Mỹ thêm mất tự tin, và thúc đẩy Seoul tự hành động để bảo vệ mình, bằng cách phát triển chương trình hạt nhân của chính họ, thứ có thể gây mất ổn định ở khu vực.
Đã tới lúc ngăn chặn những động thái quân sự trên biển và hàng không của Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng không thể tiếp tục bán kỹ thuật hạt nhân cho Iran, nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc, ông nói.
Cũng theo Chang, chính quyền Tổng thống Obama nên can thiệp vào mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc, bằng cách thuyết phục Bắc Kinh rằng, nước này sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nếu tiếp tục hỗ trợ chính quyền của Kim Jong-un.
"Triều Tiên sẽ không gây ra những mối đe dọa như thế nếu họ cảm thấy Trung Quốc đang chuyển từ ủng hộ sang kiềm chế họ", ông nói.
Tuyên bố hủy bỏ hiệp định đình chiến đã tồn tại 60 năm của Bình Nhưỡng, một mặt, vừa khiến tình trạng ổn định trên bán đảo Triều Tiên bị đe dọa, mặt khác, lại cho Mỹ quyền được sử dụng vũ khí tại khu vực này một cách hợp pháp.
"Điều đó sẽ làm rung chuyển Triều Tiên", ông nói.
"Nguy cơ chiến tranh mà tôi chỉ ra là có thật, nhưng chúng chỉ là phương án tệ nhất", Chang nói thêm. "Không ai muốn kích động một cuộc khủng hoảng, nhưng kiểu suy nghĩ đó lại đang đẩy chúng ta rơi vào tình trạng này."
Tha thứ
Hơn một năm đảm nhiệm vị trí từng thuộc về cha và ông, Kim Jong-un đang tự dồn mình vào chân tường, và nước Mỹ cần phải trao cho vị lãnh đạo trẻ này một lối thoát, theo Han Park, giáo sư trường Đại học Georgia, người từng tham gia các cuộc đàm phán với Triều Tiên.
"Những lệnh trừng phạt không có tác dụng. Chúng chưa bao giờ phát huy tác dụng", giáo sư nói. "Nó chỉ càng khiến giới lãnh đạo Triều Tiên thêm nóng nảy."
Bình Nhưỡng sẽ không đời nào từ bỏ "cứu cánh" hạt nhân, trừ khi an ninh của họ được đảm bảo, ông nói. Và cách duy nhất để Mỹ hiện thực hóa điều đó là công nhận quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và hướng tới mục tiêu hòa bình.
Tình hình chỉ có thể ổn định nếu Mỹ xây dựng được lòng tin với giới chức Triều Tiên, bằng không, Kim Jong-un sẽ tiếp tục gây áp lực với Washington.
Nguy cơ thua cuộc của Triều Tiên trong trường hợp chiến tranh thực sự xảy ra là điều mà nhiều người đã dự đoán từ trước, Chang nói. Nhưng dù sao, "chiến tranh vẫn là thứ không ai muốn".
"Đem lại hòa bình cho Triều Tiên? Việc đó có gì sai", ông nói thêm.
Quỳnh Hoa (Theo NBC News)