Đọc bài viết Tô mì ramen 'giá ảo' 98 nghìn đồng, tôi thấy tác giả mô tả tô mì "có hai con tôm đông lạnh nhỏ, hai miếng mực mỏng", rồi lại thắc mắc sao họ bán giá cao. Điều này có thể bất công với những người kinh doanh chân chính.
Ai cũng biết, giá thành phẩm bao gồm nhiều yếu tố cộng lại: Nguyên vật liệu + chi phí năng lượng, thuê nhân viên... và phần nặng nhất là phí mặt bằng.
Gần nhà tôi có một bà bán hủ tíu, rất ngon và đông khách. Mấy năm trước, bà xin được đứng bán vỉa hè trước nhà một người trong xóm. Giá chỉ từ 20-25 nghìn đồng một tô, nước lèo ngon, thịt tôm cũng kha khá, đặc biệt xin thêm rau giá và đôi khi là hủ tíu thêm thì không tính tiền.
Nay, để đảm bảo mỹ quan đô thị, cũng như ngôi nhà chỗ bà đứng bán đã được cho thuê, người mới không cho bà "xài ké" vỉa hè nữa. Nhiều người động viên thôi ráng thuê một mặt bằng nho nhỏ để buôn bán cho tử tế.
Mới hôm trước, tôi đến ăn, thấy khách không đông, bà rầu rĩ cho hay, chắc không trụ được lâu, vì riêng tiền thuê mặt bằng đã 9 triệu đồng một tháng. Đây là tiền lời của bà khi bán vỉa hè. Vậy nên bắt buộc phải tăng giá bán 5-10 nghìn đồng mỗi tô và cũng không còn xởi lởi cho thêm rau, hủ tíu như trước nữa.
"Họ đi ăn hủ tíu gõ hết rồi", bà nói không cạnh tranh được với những người bán hủ tíu gõ vì họ không tốn tiền thuê mặt bằng như bà.
Không chỉ quán ăn, mà hầu như ai kinh doanh, buôn bán cũng ít nhiều đau đầu với tiền thuê mặt bằng. Tôi từng dọ giá một chiếc áo bán online và offline, giá chênh một trời một vực, chưa kể chai dầu gội của Mỹ tôi mua online giá chỉ 2/3 so với ngoài cửa hàng. Vậy làm sao cạnh tranh nổi?
Quang Trần