Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM, người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chung sống với chồng trên hai năm, không dùng bất cứ một biện pháp tránh thai nào mà không có con thì được gọi là vô sinh.
Những yếu tố gây vô sinh ở phái nữ thường gặp:
- Rối loạn phóng noãn: Bất thường trong chu kỳ rụng trứng do rối loạn nội tiết tố, hoặc bất thường trong ống dẫn trứng. Hiện nay, người ta ghi nhận rối loạn phóng noãn ở phụ nữ trong tuổi sinh sản ngày càng tăng do ảnh hưởng của tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid gây ra béo phì.
- Bị lạc nội mạc tử cung.
- Ngoài ra, những yếu tố sau đây cũng có thể làm thai khó đậu hoặc dễ bị hư thai như phụ nữ trên 37 tuổi, người bị u tử cung hoặc bướu trong tử cung, hoặc bị bất thường cấu trúc tử cung.
Theo Đông y, ngoài các trường hợp có tổn thương thực thể hoặc khuyết tật bẩm sinh ở cơ quan sinh dục nữ, vô sinh nữ thường do khí huyết không điều hoà, tâm trí bị rối loạn (tinh thần căng thẳng, lo âu, sầu muộn, sợ hãi, stress…) làm tổn hại đến hoạt động của khí huyết, tạng phủ, hoặc do đàm thấp ứ trệ (mập phì) làm trở ngại chức năng hoạt động của mạch xung và mạch nhâm mà gây ra, thường biểu hiện ở sự rối loạn về kinh nguyệt. Có khi do tác động của môi trường sống và sinh hoạt mà không thụ thai được.
Lương y Đinh Công Bảy cho biết, chẩn đoán của Đông y chủ yếu dựa vào phương pháp tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết), tức là hỏi bệnh kỹ lưỡng, xem xét những biểu hiện lâm sàng và xem mạch, phân loại để có hướng chữa trị phù hợp. Trong Đông y, có 4 trường hợp gây vô sinh nữ có thể điều trị được là vô sinh do đàm thấp, vô sinh do dương khí suy kém gây trạng chứng hư hàn, vô sinh do can khí uất kết và vô sinh do can huyết suy hư.
1. Vô sinh nữ do đàm thấp
Thường có các triệu chứng: người mập phì, hay chóng mặt, hồi hộp, kinh nguyệt không đều, lượng kinh nhiều, sắc kinh nhạt, lưỡi mềm bệu, rêu lưỡi trắng, nhiều đàm nhớt.
Bài thuốc
Bán hạ (chế) 400 g, trần bì (sao thơm) 200 g, xuyên khung (sao qua) 300 g, hương phụ (chế) 400 g, thần khúc (sao thơm) 200 g, bạch phục linh (sao qua) 200 g.
Các vị tán nhỏ, cho vào lọ sạch để bảo quản hoặc làm thành viên nhỏ. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8-10 g, với nước ấm, trước bữa ăn.
Trong trường hợp này, nên tuân thủ các chế độ ăn kiêng thích hợp, tập luyện thể dục thể thao để làm giảm bớt cân nặng của cơ thể. Khi giảm cân được khoảng 5% trọng lượng cơ thể ban đầu, sẽ giúp dễ có thai hơn.
2. Vô sinh nữ do dương khí hư suy (hư hàn)
Thường có các triệu chứng: người lạnh, tay chân lạnh, sợ lạnh, sợ gió, đi tiêu lỏng, đi tiểu nhiều lần, nước tiểu trong, bụng dưới lạnh, thường có những cơn quặn đau âm ỉ, chu kỳ kinh nguyệt đến chậm, lượng kinh ít, sắc kinh nhạt, lưỡi mềm bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch chìm, nhỏ.
Bài thuốc
Thục địa (tẩm gừng sao) 200 g, đương quy đầu (tẩm rượu sao) 200 g, xuyên khung (sao thơm) 200 g, bạch thược (tẩm rượu sao) 200 g, hoàng kỳ (chích mật) 200 g, ngải cứu ( rửa sạch, sấy nhẹ cho khô) 300 g, ngô thù du (sấy khô) 200 g, tục đoạn (tẩm rượu sao) 150 g, hương phụ (chế) 200 g, nhục quế 50 g.
Tất cả tán thành bột mịn, làm viên bằng hạt bắp. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8-10 g, với nước ấm, trước bữa ăn.
3. Vô sinh nữ do can khí uất kết
Tinh thần không thư thái, buồn bực, dễ cáu gắt, giận dữ, vùng ngực sườn đầy tức, nhức đầu, ngủ không ngon giấc, kinh nguyệt không đều, lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng mỏng.
Bài thuốc
Đương quy đầu (tẩm rượu sao) 12-16 g, bạch truật (sao) 10-12 g, bạch phục linh 12-14 g, bạch thược (tẩm rượu sao) 10-12 g, sài hồ (tẩm rượu sao) 10-12 g, hương phụ (chế) 10-12 g, ngãi cứu 8-10 g, đơn bì 10 g, bạc hà 8 g, trần bì (sao) 6 g, cam thảo (chích) 4-6 g, gừng nướng 2 g.
Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
4. Vô sinh do can huyết hư hoặc khí huyết hư
Thường có những triệu chứng: người suy nhược, gầy yếu, ăn ngủ kém, mặt vàng, chóng mặt, hoa mắt, thị lực giảm, lượng kinh ít, sắc kinh nhạt, kinh đến chậm, hoặc tháng có tháng không, mạch nhỏ, chìm, yếu.
Bài thuốc
Nhân sâm hoặc đảng sâm 12-16 g, thục địa 16-20 g, đương qui 12-14 g, bạch thược 12-14 g, huỳnh kỳ (chích mật) 16-20 g, táo nhân (sao đen) 10-12 g, long nhãn nhục 10-12 g, liên nhục 12-16 g, câu kỷ tử 10-12 g, hương phụ 8-10 g, ngải cứu 8-10 g, trần bì 4-6 g, cam thảo (chích) 4-6 g, đại táo 2 quả, gừng tươi 2 lát.
Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống ấm, trước bữa ăn.
Lê Phương