Câu chuyện Anh Đặng Nghĩa Toàn, 45 tuổi, từ là khách hàng VIP của nhiều ngân hàng ở Hà Nội trở thành người đi đòi tiền gửi tiết kiệm của chính mình khiến nhiều độc giả quan tâm:
Độc giả Nguyên Đình Thanh thắc mắc: Cầm cố sổ tiết kiệm thì khách phải đến ngân hàng, với một khoản tiền lớn, lại là khách VIP sao ngân hàng không gọi một câu điện thoại để xác nhận xem đúng hay sai?
Độc giả kieu nhi tran nêu: Chuyện anh Toàn cho Thành cầm sổ tiết kiệm và nhận khoản lãi suất là thỏa thuận của hai bên, nên hai bên tự giải quyết. Còn chuyện Thành cầm sổ tiết kiệm đến giả chữ ký mà rút được tiền thì đó là sẽ lỗi của ngân hàng vì không kiểm tra giao dịch kỹ càng, nên ngân hàng phải giải quyết với bị can Thành. Còn tiền anh Toàn gởi ngân hàng thì họ phải giữ, nếu anh Toàn không ký tên rút thì vẫn tính là họ đang giữ tiền.
Độc giả Khu Tran Dinh: Sổ tiết kiệm ghi đầy đủ thông tin người gửi, số tiền gốc và lãi suất có chữ ký đại diện ngân hàng nên đây là hợp đồng gửi tiền. Ngân hàng phải chịu trách nhiệm chi trả gốc lãi nếu khách hàng chưa tất toán. Trong trường hợp khách hàng có ký thế chấp tiền gửi hay cầm cố sổ tiết kiệm với bên thứ ba nhưng không đăng ký với Ngân hàng thì Ngân hàng cũng ko có lý do gì từ chối nghĩa vụ thanh toán.
Việc khách hàng với bên thứ ba là một giao dịch dân sự khác. Trong vụ việc này bản án có nêu sổ tiết kiệm là tang vật của vụ án hình sự đó vật hiện hữu công cụ để Thành lừa đảo bản chất số tiền trong tài khoản của khách hàng không liên quan do cơ quan công an không chứng mình được khách hàng cấu kết ký giấy tờ với Thành.
Trong khi đó, một số độc giả đưa ra những bài học kinh nghiệm:
Tôi ở Mỹ, nói sơ qua khi giao dịch với số tiền lớn sẽ có bên cho vay, luật sư, bên vay và luật sư (nếu muốn) và toà án. Bên vay phải ký tên 40 lần vào trang ký tên, trang này là cơ sở để đối chiếu với chữ ký trong dữ liệu, đồng thời phải có bằng lái với hình ảnh và chữ ký. Sau đó khoảng một tuần, mọi thứ trùng khớp với dữ liệu thì mới hoàn tất giao dịch. Sự tin tưởng là nền móng căn bản để xây dựng và phát triển kinh tế.
Bây giờ giao dịch với nhân viên ngân hàng có bảng tên cũng chưa an tâm. Phải giao dịch ngay tại trụ sở, chi nhánh, phải có đủ chứng từ, tin nhắn, e-mail xác nhận rằng mình đang giao dịch với ngân hàng chứ không phải cô A, anh B nào cả. Thậm chí với số tiền lớn nên quay clip làm bằng chứng và tuyệt đối không ký khống giấy tờ gì, ký cái gì cũng căng mắt ra đọc và chụp lại cả bản mình giữ lẫn bản ngân hàng giữ. Nên viết biên bản, ký bằng bút riêng của mình, dùng mực càng hiếm, đặc trưng để người ta không giả mạo, điền thêm cái gì vào được và lỡ cần giám định cũng có căn cứ.
Hữu Nghị tổng hợp
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.