Trả lời VnExpress ngày 17/12, liên quan sự việc nam sinh ở Quảng Nam tiêm 2 mũi vaccine Pfizer liên tiếp, tiến sĩ Thái cho biết quy trình một chiều là: học sinh vào khám sàng lọc, sau đó tiêm chủng, nhận giấy xác nhận và theo dõi sau tiêm. Khi quy trình này không đảm bảo, sắp xếp điểm tiêm không hợp lý, sai sót có thể xảy ra, ví dụ bị tiêm thừa mũi trong một thời gian ngắn hoặc chưa tiêm song đã được cấp giấy xác nhận tiêm chủng.
Hôm 16/12, em học sinh ở Quảng Nam được nhân viên y tế tiêm hai mũi vaccine Pfizer, cách nhau 10 phút, sau đó được chuyển đến Trung tâm Y tế TP Nam Kỳ theo dõi, sức khỏe ổn định, dự kiến xuất viện chiều nay. Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tam Kỳ, cho biết nguyên nhân tiêm nhầm là điểm tiêm không kịp thời theo dõi danh sách và giấy tiêm chủng, trong khi học sinh đông, ồn ào và không được quản lý theo lớp.
Đây là trường hợp thứ hai tiêm hai liều vaccine Covid-19 chỉ trong vòng 10 phút. Trường hợp đầu tiên là nữ giáo viên ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, tiêm vaccine AstraZeneca, đến nay sức khỏe bình thường.
"Tất cả điểm tiêm xảy ra tình trạng tiêm thừa như vậy cần rút kinh nghiệm và bố trí lại để đảm bảo quy trình một chiều", tiến sĩ Thái khuyến cáo. Chương trình Tiêm chủng mở rộng trực thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên cả nước, đào tạo, hướng dẫn đội ngũ y tế tổ chức tiêm đảm bảo an toàn.
Tiến sĩ Thái cũng cho rằng người bị tiêm thừa mũi không bị ảnh hưởng sức khỏe do vaccine Pfizer sử dụng mức liều tối thiểu mà vẫn sinh miễn dịch tốt. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và từ nhà sản xuất, liều tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là 0,3 ml (tương đương liều người lớn). "Liều này thấp hơn so với mức đã sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng, do đó đủ cơ sở cho thấy trẻ tiêm liều cao hơn cũng không gặp phản ứng bất lợi đối với cơ thể", ông Thái nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết thế giới đã ghi nhận một số trường hợp bị tiêm nhiều mũi vaccine liên tiếp do khâu tổ chức tiêm chưa đảm bảo quy trình. Tất cả người được tiêm nhiều mũi vaccine đều không bị ảnh hưởng về mặt sức khỏe, hiếm gặp các phản ứng phụ nặng, chưa có bằng chứng cho thấy liều vaccine tiêm thêm sinh miễn dịch tốt hơn.
Tuy nhiên, các phản ứng phụ sau tiêm ở trẻ có thể tăng lên, ví dụ sốt, đau vết tiêm, sưng, thay đổi màu sắc (đỏ, tím tại chỗ tiêm), mệt mỏi, sốt nhẹ..., theo các bác sĩ. Cha mẹ và trẻ được bác sĩ khuyên không nên quá lo lắng, trẻ nên hạn chế cử động vùng tiêm để giảm triệu chứng và tránh vận động mạnh. Người nhà có thể cho con dùng thuốc hạ sốt khi sốt và giảm đau, theo dõi kỹ sức khỏe của trẻ trong ba ngày đầu để kịp thời xử trí nếu có phản ứng nguy hiểm như phản vệ, nổi mề đay, sưng hạch, khó thở, tức ngực...
Tính đến ngày 14/12, Việt Nam tiếp nhận gần 169 triệu liều vaccine Covid-19, đã tiêm chủng hơn 135 triệu liều. Trong đó, tiêm chủng cho trẻ 12-18 tuổi đạt hơn 7,6 triệu liều, gồm 65,8% tiêm mũi một và 17,8% tiêm đủ hai mũi. Bộ Y tế cho biết khoảng 0,3% trẻ gặp phản ứng phụ sau tiêm, gồm sốt, đau vết tiêm, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi... 5 trẻ tử vong sau tiêm, trong đó ba trẻ bị phản vệ độ 4 (cơ thể phản ứng quá mức với vaccine Covid-19).
Chi Lê