Tôi từng là một gã "tay không bắt giặc" trên những cung đường phượt, nhưng điều may mắn là tôi được đi cùng những người có kinh nghiệm nên sớm nhận ra những sai lầm của mình. Dần dần, sau những chuyến độc hành, tôi cũng tự rút ra được những kinh nghiệm cho riêng mình trên những cung đường. Tôi thường truyền lại những kinh nghiệm đó cho các bạn trẻ mới bắt đầu hành trình với "con ngựa sắt" của mình trên dải đất chữ S và đôi khi là hướng dẫn trực tiếp cho họ trên chặng hành trình.
Tôi xin chia sẻ lại một vài kinh nghiệm của bản thân, hy vọng sẽ giúp các bạn có kế hoạch tốt hơn cho những chuyến đi "tự phát" của mình:
Thời tiết: Bạn phải xác định nên đi vào mùa nào là đẹp nhất. Nếu bạn muốn trải nghiệm không khí lạnh, cảm giác được đi trên con đường mờ sương thì hãy chọn những tháng mùa đông; còn lại thì hãy chọn mùa hè, mùa không mưa để có điều kiện di chuyển thuận lợi nhất. Nếu bạn chỉ có thể đi vào mùa mưa, hãy liên tục cập nhật tình hình thời tiết. Khi đến những nơi còn đường đất, hãy cập nhật tình hình mưa, nắng từ người dân bản địa để quyết định đi tiếp hay dừng lại, vì mưa xuống, bùn lầy, di chuyển rất nguy hiểm.
Phương tiện di chuyển: Nếu phải đi máy bay, hãy đặt vé vào những tháng 8, 9, 10, 11 hoặc đầu tháng 12 vì đây là mùa thấp điểm nên các hãng đều giảm giá vé rất sâu. Chắc chắn rất nhiều người sẽ chọn việc thuê xe máy để khám phá nên trước khi đi, các bạn hãy tìm những địa điểm thuê xe máy uy tín tại nơi mình đến. Khi nhận xe thì hãy đảm bảo phanh xe còn hoạt động tốt, xe không có vết trầy xước nào và nếu có thể thì hãy yêu cầu bên cho thuê xe phải có baga, dây buộc để bạn dễ dàng buộc hành lý lên xe.
Nếu đường bằng thì đi xe gì cũng được, nhưng đường đồi núi nên chọn xe số hoặc xe côn sẽ. Xe tay ga vẫn đi được nhưng độ an toàn thì không bằng hai loại xe kia. Khi đặt xe, hãy yêu cầu bên thuê xe cung cấp loại nón 3/4 đầu, có kính để đảm bảo tính an toàn và tránh bụi. Nếu bên thuê xe không có thì ít nhất hãy trang bị một cặp kính mát để tránh bụi đường đi và những cơn gió trên núi có thể ảnh hưởng xấu đến mắt bạn.
Tìm hiểu về cung đường, điểm đến: Trước tiên là cung đường, bạn có thể dùng phần mềm trên điện thoại di dộng để biết được khoảng cách giữa các địa điểm, và có cái nhìn trực quan về cung đường mà bạn sẽ di chuyển. Bạn sẽ biết được đoạn nào bằng phẳng có thể chạy nhanh, đoạn nào là đồi núi, đoạn nào đường xấu, đường tốt, đoạn nào thưa dân cư... Nếu như vẫn chưa thấy yên tâm, các bạn có thể tham gia các diễn đàn, hội nhóm chuyên về phượt để tìm kiếm kinh nghiệm của những người đi trước.
>> Chuyến đi phượt khổ ải chỉ vì tin một bài review
Cách chia lộ trình: Các bạn chỉ nên chia ra mỗi ngày 250 km với đường bằng, 150 km với đường đèo và 70 km nếu là đường offroad. Về tốc độ di chuyển, nên là 70 km/h với đường bằng, 30 km/h với đường đèo và khoảng 10 km/h với đường offroad. Mỗi chiếc xe máy nếu còn tốt sẽ di chuyển được từ 100-150 km cho mỗi 50.000 đồng tiền xăng.
Chuẩn bị hành lý: Khi đi đến các vùng có khí hậu lạnh dưới 10 độ C, ngoài quần áo và vật dụng cơ bản, thì áo len, áo phao, găng tay, nón len, chụp tai, khăn choàng cổ là những vật dụng không thể thiếu. Nếu kỹ hơn thì bạn có thể mua thêm miếng dán giữ nhiệt, áo giữ nhiệt. Nếu đã chuẩn bị rất kỹ mà vẫn cảm thấy lạnh thì bạn có thể sắm thêm một đôi găng tay và đôi tất thứ hai.
Riêng với những đoạn đường mà theo tìm hiểu riêng là thưa dân cư thì các bạn nên chuẩn bị sẵn một chai 1,5 lít để đổ sẵn xăng phòng trường hợp gần hết xăng mà không tìm thấy chỗ đổ xăng. Cũng nói thêm về những đoạn đường thưa dân, ngoài xăng thì thức ăn cũng là thứ mà bạn nên chuẩn bị thêm. Nên thủ sẵn lương khô hoặc thức ăn khô giúp bạn cầm cự cơn đói trên những đoạn đường không tìm thấy quán ăn.
Nơi ngủ nghỉ: Nếu các bạn thích hòa mình với thiên nhiên thì chuẩn bị lều, nhưng tôi vẫn khuyên ai cũng nên đi đến những nơi có chỗ ngủ nghỉ đàng hoàng, có thể là khách sạn, hostel, homestay hoặc ít nhất là nhà dân, trạm biên phòng... Để tiết kiệm chi phí, các bạn có thể chọn những nhà khách ở chung phòng. Loại phòng này có giá rất rẻ, chỉ khoảng 80-200.000 đồng một đêm. Tuy nhiên, nhược điểm là không có sự riêng tư vì có nhiều giường dorm trong cùng một phòng, mỗi người sẽ phải tự bảo vệ tư trang của mình. Với các bạn nữ đi một mình thì tôi khuyên các bạn nên bỏ qua lựa chọn này.
Một lựa chọn khác cũng rất kinh tế và an toàn hơn là loại phòng con nhộng. Đây là phòng chứa những tiện ích cơ bản nhưng có vách ngăn và cửa an toàn của mỗi phòng. Nhược điểm của phòng này là do không gian hẹp về chiều cao nên việc di chuyển khá khó khăn và không gian để hành lý ở bên ngoài (có tủ khóa số) nên việc lấy tư trang cá nhân cũng mất thời gian hơn. Bạn nên chọn những nơi ngủ nghỉ gần với các điểm du lịch hoặc những nơi ăn uống (trong bán kính 2 km) để thuận tiện cho việc di chuyển.
Vượt xe: Tôi không khuyến khích các bạn có hành động này, nhưng nếu buộc phải làm, hãy tuân thủ một số quy tắc an toàn. Nguyên tắc đầu tiên là bạn chỉ nên vượt xe ở những đoạn đường có góc nhìn rộng để đánh giá đúng khả năng vượt những chiếc xe lớn, cũng như kịp thời lùi lại nếu có xe đi từ chiều ngược lại. Tuyệt đối không vượt khi có xe chạy ở nhiều làn và không vượt ở những đoạn cua trên đèo.
Vừa rồi là một số kinh nghiệm nho nhỏ mà tôi tích lũy được từ các cung đường đã đi qua. Các bạn trẻ nếu muốn "xách balô lên mà đi" thì hãy xách balô một cách có kế hoạch chứ đừng đi một cách khờ dại rồi nhận về những trải nghiệm không đáng có. Nếu quá thiếu kinh nghiệm, hãy tham gia các hội nhóm để tích lũy dần trải nghiệm cho bản thân mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.