"Cũng tầm gần Tết cách nay 20 năm, tôi bị sếp sa thải (công ty tư nhân) sau một cuộc điện thoại.
Khi đó còn hai tháng nữa đến ngày cưới của tôi. Mặc dù rất buồn khi đó, nhưng tôi rút ra được một bài học: Mình không nỗ lực tạo ra giá trị lớn hơn (có thể là rất nhiều) so với mức thu nhập mà mình nhận được thì cần chuẩn bị tâm lý nghỉ việc bất cứ lúc nào.
Vì vậy, tôi sẽ nghỉ việc nếu tự xét thấy mình không còn đóng góp được cho sự phát triển của công ty nữa".
Bạn đọc có nickname donghungbinh chia sẻ đã rút ra một bài học khi bị sa thải dịp gần Tết. Bình luận này được viết sau bài Làm việc chăm chỉ 7 năm vẫn bị sa thải.
Nhiều độc giả thảo luận, cho rằng cách làm việc cống hiến, chăm chỉ để yên tâm không bị sa thải đã lỗi thời. Độc giả nickname petramxinh21 nhận ra điều này từ 20 năm trước:
"Cách đây 20 năm, tôi làm nhân viên kinh doanh cho công ty tư nhân trong nước và kể cả nước ngoài. Nhưng tôi chưa bao giờ mang tư tưởng sẽ làm cho công ty lâu dài cả, chỉ quan trọng là mình có phát huy được năng lực của mình không thôi và kế đến là đồng lương.
Nếu có công ty khác có môi trường làm việc và đãi ngộ tốt hơn tôi sẵn sàng nhảy việc, để được làm và học hỏi những điều mới mẻ hơn. Những người ngại thay đổi trong công việc đa phần là ít có chí cầu tiến chỉ muốn ăn chắc mặc bền, sợ bị đuổi việc mà một khi bị đuổi thì hay kể công".
Độc giả Phạm Nguyễn chia sẻ: "Lúc ra trường đi làm tôi cũng nghĩ như tác giả, bây giờ tôi đã thay đổi nhiều rồi và dạy con cũng khác trước. Thời của tôi đề cao sự tận tụy, trung thành và xem công ty như gia đình, dồn hết thời gian năng lực vô đó như mái nhà thứ hai.
Thời nay người trẻ đề cao sự sòng phẳng, thích nghi, hưởng thụ và xem công việc chỉ đơn thuần để kiếm tiền. Cái nào làm ra tiền thì coi như là công việc chứ không có gắn bó trung thành hay thề nguyền với công ty nào cả.
Đó là xu thế tất yếu, cuộc sống vận hành nhanh hơn, thay đổi nhanh hơn vì đã sắp đến thời điểm chuyển qua một thời đại khác. Tác giả đang đứng giữa hai lằn ranh đó nên bác sẽ thấy khó khăn, xóa bỏ ý tưởng trung thành đó để chuyển sang xu thế lăn theo bánh xe của lịch sử thì sẽ khác".
Độc giả nickname Sông Đông êm đềm liệt kê bốn vấn đề cần làm rõ:
Thứ nhất, ngày xưa cứ được nhận vào cơ quan, mặc nhiên có chỗ làm đến lúc về hưu. Mặt trái của nó là khiến người ta ù lì, không chịu học hỏi, phấn đấu.
Thứ hai, quan hệ của chủ sử dụng lao động và người lao động là quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi, không có khái niệm cống hiến. Bất cứ khi nào thấy quyền lợi không xứng đáng, bạn có quyền chấm dứt mối quan hệ.
Thứ ba, bây giờ doanh nghiệp đánh giá người lao động bằng hiệu suất, hiệu quả công việc, chứ không phải bằng thái độ chăm chỉ mà hiệu quả kém.
Thứ tư, doanh nghiệp có quyền sa thải bạn bất cứ lức nào, ngược lại bạn cũng có quyền "sa thải" doanh nghiệp bất kỳ lúc nào. Bạn đang làm việc và được công ty đãi ngộ rất tốt, nhưng công ty khác đãi ngộ tốt hơn, bạn cũng vui vẻ nhảy việc, có áy náy gì đâu, lúc đó có nghĩ cho công ty không? Vậy cớ sao bạn không cho doanh nghiệp quyền đó?".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.