Từ Hong Kong tới Australia, biến chủng Delta đang phơi bày những lỗ hổng của các nền kinh tế từng được xem là thành trì chống Covid-19 của châu Á. Từng kiểm soát hiệu quả đại dịch với các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, tốc độ lây lan chóng mặt của Delta là một lời nhắc nhở rằng các biện pháp hạn chế tạm thời không thể thay thế tiêm chủng đại trà.
Những kinh nghiệm từ các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh và Israel, nơi số ca tử vong do biến chủng Delta thấp dù số ca nhiễm tăng, mở ra hy vọng cho các nước châu Á - Thái Bình Dương về cách sống chung với dịch và tránh phong tỏa, khi phần lớn thế giới hướng tới trạng thái bình thường hậu Covid-19.
Australia đã phong tỏa 4 thành phố lớn gồm Sydney, Darwin, Perth và Brisbane, sau khi bùng phát các ca nhiễm chủng Delta. "Trước khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, chúng tôi vẫn sẽ ở trong tình trạng bất ổn và dễ bị tổn thương. Biến chủng Delta và mối đe dọa ngày càng tăng đã cho thấy rõ thực tế này", Hassan Vally, nhà dịch tễ học tại Đại học La Trobe ở Melbourne, nói.
Biến chủng Delta, lần đầu phát hiện ở Ấn Độ và đã lan tới hơn 90 quốc gia, được cho có khả năng lây nhiễm nhanh hơn chủng virus gốc khoảng 50%.
"Chúng tôi cần phải hành động quyết liệt và nhanh chóng", Annastacia Palaszczuk, thủ hiến Queensland, nơi có thành phố Brisbane, nói.
Chưa tới 6% người Australia được tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19, khiến đây trở thành một trong số quốc gia phát triển có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất. Trước nhiều chỉ trích về chiến dịch tiêm chủng chậm chạp, Thủ tướng Scott Morrison tuần này tuyên bố sẽ tiêm chủng bắt buộc cho nhân viên tại các khách sạn cách ly và cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Đồng thời, chính phủ cũng mở rộng phạm vi sử dụng vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi.
Dù được xem là cách hiệu quả để ngăn dịch, việc đóng cửa biên giới trên khắp châu Á - Thái Bình Dương cũng gây thiệt hại nặng về kinh tế - xã hội. Viện McKell ở Sydney hồi tháng 5 ước tính các hạn chế biên giới của Australia gây thiệt hại kinh tế 157 triệu USD mỗi ngày. Tại Hong Kong, GDP giảm kỷ lục 6 quý liên tiếp trong giai đoạn 2019 và 2020, trước khi phục hồi vào năm nay.
Peter Collignon, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia, cho biết ông hy vọng sự lây lan của biến thể Delta sẽ giúp thúc đẩy tiêm chủng ở quốc gia này, nơi có khoảng 1/3 người trên 70 tuổi chưa tiêm vaccine.
"Lợi ích duy nhất của phong tỏa là khiến mọi người không còn chủ quan và tăng tỷ lệ tiêm chủng", Collignon nói.
Tại Hong Kong, nơi chưa tới 20% dân số tiêm chủng đầy đủ, trong đó khoảng 5% là người trên 70 tuổi, giới chức ngày 28/6 cấm toàn bộ chuyến bay từ Anh, khi biến thể Delta chiếm tới 99% số ca nhiễm mới. Động thái này được đưa ra sau khi cơ quan y tế xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể ở thành phố, một người đàn ông 27 tuổi bị nhiễm dù không có lịch sử du lịch gần đây.
New Zealand, quốc gia tiêm chủng đầy đủ chưa tới 10% dân số, tuần trước dừng "bong bóng du lịch" với Australia. Giới chức cũng nâng mức cảnh báo tại thủ đô Wellington vì ghi nhận một du khách Australia dương tính với virus sau khi đến thành phố này. Thủ tướng Jacinda Ardern ngày 28/6 nói chính phủ sẽ xem xét áp quy định đeo khẩu trang bắt buộc và quét mã QR để kiểm tra tình trạng y tế trong suốt thời gian cảnh báo để giảm nguy cơ lây lan dịch.
Michael Baker, giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học Otago ở Wellington, nói dù cách tiếp cận hiện tại của New Zealand hiệu quả, giới chức không thể coi nhẹ việc tiêm chủng. "Điều quan trọng là phải tiêm chủng cho người dân của tất cả các nước nhanh nhất có thể, bởi tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ giúp chống lại các đợt bùng phát dịch, đặc biệt nếu kết hợp với các biện pháp y tế cộng đồng", Baker nói.
Dù có khả năng nhiễm và kháng vaccine cao hơn những chủng khác, quỹ đạo của Delta ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao cho thấy biến thể này hầu hết chỉ đe dọa những người chưa tiêm chủng. Tại Anh, nơi gần 66% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, tỷ lệ tử vong liên quan tới Covid-19 rất thấp dù số ca nhiễm tăng gấp 10 lần kể từ cuối tháng 5, khiến quốc gia này phải lùi ngày mở cửa hoàn toàn tới 19/7.
Peter Horby, người đứng đầu Nhóm Cố vấn các mối đe dọa từ virus gây bệnh hô hấp mới của chính phủ Anh, cuối tuần qua cho biết vaccine khiến mối liên kết giữa nhiễm bệnh và tử vong "yếu hơn rất nhiều", dù chưa thể phá vỡ hoàn toàn.
Tân Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid hôm 28/6 cho biết "ngày tự do" sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch vào tháng 7, đồng thời nhấn mạnh Anh phải "học cách sống chung với virus".
Tại Israel, nơi số ca nhiễm tăng hơn 10 lần trong hai tuần qua dù đã tiêm chủng đầy đủ gần 60% dân số, giới chức y tế chỉ báo cáo một hoặc vài ca tử vong mỗi ngày trong tuần trước.
Ngoài việc tái áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc với các không gian trong nhà và tăng cường cách ly, Thủ tướng Naftali Bennett bác bỏ ý tưởng tăng cường biện pháp hạn chế mới, cam kết "tiêm chủng thay vì phong tỏa".
Vally, nhà dịch tễ học tại Đại học la Trobe, nói tốc độ lây lan nhanh của biến thể là lời nhắc nhở cho Australia rằng "còn một chặng đưởng rất dài" trước khi có thể buông cảnh giác.
"Chúng tôi có rất nhiều việc phải làm để tiêm chủng cho mọi người và đạt mức miễn dịch giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19 cho toàn dân", ông nói.
Collignon nói ông hy vọng Australia có thể thoát khỏi tình trạng phong tỏa liên tục vào nửa cuối năm nay, khi có hàng triệu liều vaccine Pfizer và Moderna.
"Tôi thấy rằng chúng tôi chỉ cần làm điều đó thêm 4-5 tháng nữa, sau đó chúng tôi sẽ có rất nhiều người có khả năng miễn dịch và có thể thực hiện một cách tiếp cận hoàn toàn khác", ông nói. "Xóa sổ Covid không phải là cách tiếp cận nên lựa chọn. Hãy tìm cách giảm tỷ lệ lây nhiễm, nhưng phải chấp nhận các đợt bùng phát nhỏ cho tới khi có thể kiểm soát được chúng".
Thanh Tâm (Theo SCMP)