Hôm 3/5, Liên minh châu Âu (EU) công bố lộ trình cho phép những người đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 được nhập cảnh các nước trong khối vì mục đích giải trí và lý do không thiết yếu khác vào tháng 6.
Anh, nơi hơn một nửa dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine, lên kế hoạch nối lại các tuyến giao thương quốc tế vào ngày 17/5 với hệ thống phân loại mức độ an toàn của các quốc gia, giúp hành khách có thể tránh bị cách ly khi trở về từ những nước thuộc nhóm "xanh lá". Tháng trước, Mỹ cũng nới lỏng hạn chế cho sinh viên quốc tế nhập cảnh từ Trung Quốc, sau khi ra quyết định tương tự cho sinh viên châu Âu hồi đầu năm.
Trong khi đó, nhiều nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tỏ ra chậm chạp trong việc dỡ bỏ các hạn chế với biên giới, đặc biệt giữa lúc Covid-19 đang gây ra thảm họa nhân đạo tại Ấn Độ, bất chấp những ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và xã hội của biện pháp phòng dịch này.
Mô hình do Viện McKell tại Sydney công bố tuần trước ước tính việc Australia đóng biên đã khiến đất nước thiệt hại 157 triệu USD mỗi ngày vì mất hoạt động kinh tế. Hong Kong cũng chứng kiến GDP giảm kỷ lục 6 quý liên tiếp, giai đoạn mà đặc khu vừa phải chống dịch, vừa ứng phó tình trạng bất ổn dân sự hồi năm 2019, trước khi khôi phục tăng trưởng ở mức 7,8% trong quý đầu năm nay.
Một trong những nguyên nhân khiến giới chức khu vực châu Á - Thái Bình Dương dè dặt mở biên được cho là bởi quá trình triển khai vaccine chậm chạp, trong khi giới chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của trạng thái miễn dịch cộng đồng, tức là 70-80% dân số được tiêm chủng, nhằm ngăn virus lây lan không kiểm soát và mở đường cho người dân quay lại với cuộc sống bình thường.
Tại Hong Kong, nơi hầu hết người nhập cảnh bắt buộc phải cách ly 3 tuần, tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến thành phố khó có thể đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số trong năm 2021. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng của Australia dự kiến tới năm 2024 mới hoàn thành, dù tốc độ được cho là sẽ tăng đáng kể khi nước này nhận thêm 20 triệu liều vaccine từ Pfizer vào quý cuối cùng trong năm nay.
Tuy nhiên, ngay cả tại một trong những nơi triển khai vaccine nhanh nhất châu Á là Singapore, với gần 40% dân số đã tiêm ít nhất một liều, chính quyền vẫn tỏ ra thận trọng khi tăng thời gian cách ly bắt buộc với hầu hết người nhập cảnh lên 21 ngày, trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV cộng đồng tăng đột biến, đặt ra câu hỏi về khả năng đạt miễn dịch cộng đồng với sự xuất hiện của một loạt biến chủng nCoV mới.
Tại Mỹ, một trong những nền kinh tế lớn triển khai vaccine Covid-19 nhanh nhất với hơn 60% dân số đã tiêm ít nhất một liều, các chuyên gia tuần trước nhận định miễn dịch cộng đồng có thể là mục tiêu xa vời do những biến chủng virus mới và thái độ ngần ngại với vaccine trong một bộ phận không nhỏ người dân.
Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình rằng Covid-19 sẽ tiếp tục len lỏi khắp thế giới như một căn bệnh đặc hữu trong nhiều thập kỷ, hoặc thậm chí nhiều thế kỷ tới, bất chấp nỗ lực kiểm soát của các quốc gia. Dale Fisher, giáo sư tại Trường Y khoa Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cảnh báo những nước kiểm soát dịch hiệu quả nhờ đóng biên như Australia giờ đây "bị dồn vào chân tường".
"Đây là một vấn đề lớn mà tôi đã nêu vài lần, nhưng mọi người không chịu chấp nhận, rằng những nước dựa vào biện pháp đóng cửa biên giới và không khoan nhượng với các ca nhiễm thực sự sẽ vật lộn để chuyển sang giai đoạn tiếp theo, khi phần còn lại của thế giới mở cửa và tự do đi lại", Fisher cho biết.
Theo bình luận viên John Power của SCMP, các chính quyền theo đuổi cách tiếp cận "không Covid" đã đưa ra những chỉ dẫn mơ hồ về điều kiện có thể nới lỏng hạn chế, đồng thời viện dẫn sự xuất hiện của các biến chủng nCoV mới cho phản ứng thận trọng của mình.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt tháng trước cho biết đất nước có thể tiếp tục tăng cường kiểm soát biên giới ngay cả khi toàn bộ người dân đã được tiêm chủng, bởi giới chức sẽ phải cân nhắc "những yếu tố khác nhau", bao gồm các rủi ro lây nhiễm và tình hình ở nước ngoài. Hôm 7/5, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết "dự đoán tốt nhất" của ông về thời điểm tái mở cửa hoàn toàn biên giới là nửa sau năm 2022.
Tại Hong Kong, người đứng đầu cơ quan y tế Sophia Chan cho biết những người đã được tiêm chủng đầy đủ có thể giảm thời gian cách ly bắt buộc từ 14 xuống 7 ngày khi nhập cảnh từ những nơi nguy cơ thấp như Australia và Singapore. Tuy nhiên, người đến từ các vùng dịch nguy cơ rất cao như Anh phải cách ly 21 ngày, bất kể tiêm chủng hay chưa. Các chuyến bay từ những nước có tình hình vô cùng nghiêm trọng như Ấn Độ, Pakistan và Philippines, vẫn bị đình chỉ.
Roberto Bruzzone, chuyên gia tại Đại học Hong Kong, cho biết giới chức có trách nhiệm hành động để "đưa xã hội ra khỏi tình trạng tê liệt, xuất phát từ quan điểm rằng chúng ta có thể ngăn cản virus xâm nhập mãi mãi".
"Từ góc nhìn y tế, người dân tiêm vaccine để có thể tiếp tục cuộc sống, giảm thiểu nhiều rủi ro cho cộng đồng", Bruzzone cho biết. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh câu hỏi khi nào nên mở cửa biên giới lại là quyết định mang tính chính trị xã hội, không phải vấn đề của khoa học.
"Nếu bạn là một quan chức tuyên bố rằng chúng ta nên tái mở cửa nhà hàng và quán bar, rồi một tháng sau Hong Kong ghi nhận thêm 300 ca nhiễm và 10 người chết, bạn có thể thấy điều gì sẽ xảy ra", Bruzzone nói.
Peter Collignon, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng vấn đề nằm ở chỗ nỗi sợ hãi và cự tuyệt mọi rủi ro tại những nước chống dịch tốt đã trở nên sâu sắc. "Một trong các vấn đề là làm thế nào để thuyết phục phần lớn công chúng chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định, khi bạn rõ ràng đã làm giảm nguy cơ lây nhiễm và tử vong, cũng như gánh nặng của hệ thống y tế", Collignon nhận định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế vẫn tin rằng cách tiếp cận "không Covid" là lựa chọn tốt nhất cho những nước đã tránh được "sóng thần" đại dịch nhờ kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.
"Các quốc gia chọn sống chung với virus có thể đặt ra mối đe dọa với những nước khác, đặc biệt là những nơi ít có khả năng tiếp cận vaccine", một nghiên cứu của giới khoa học châu Âu trên tạp chí y khoa Lancet tháng trước có đoạn, thêm rằng phải có "một kế hoạch toàn cầu rõ ràng" để chấm dứt đại dịch.
Todd Pollack, giám đốc tại Việt Nam của tổ chức Đối tác vì Tiến bộ Y tế thuộc Đại học Harvard, cũng cảnh báo mối đe dọa nếu các nước tái mở cửa biên giới khi những nhóm dân số dễ bị tổn thương chưa được tiêm chủng. "Tôi nghĩ các chỉ số hiện nay chứng minh cách tiếp cận không Covid của Việt Nam, Australia hay New Zealand là lựa chọn tốt nhất", ông nói.
Mặc dù vậy, giáo sư Collignon vẫn giữ quan điểm rằng các nước phải học cách chấp nhận virus lây nhiễm ở mức độ nhất định, nếu không muốn đối mặt nguy cơ bị cô lập.
"Tôi nghĩ trạng thái không chắc chắn và nỗi sợ hãi hiện nay sẽ còn kéo dài thêm một năm nữa, cho đến khi chúng ta thấy được thực tế về cơ bản. Nhưng như đã nói, tôi không cho rằng cách tiếp cận không Covid thực sự là lựa chọn khả thi về lâu dài", ông nêu quan điểm.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)