Thay vào đó, nước này bám vào chiến lược: Đeo khẩu trang (thậm chí là hai lớp), giãn cách xã hội và tiêm phòng nhanh chóng. "Người dân không còn đón nhận lệnh phong tỏa như trước. Họ sẽ không chấp nhận trừ khi có lý do rõ ràng", Marcus Plescia, giám đốc y tế của Hiệp hội các quan chức y tế vùng lãnh thổ và bang, nói. Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất nhằm chấm dứt đại dịch, trong khi khẩu trang và giãn cách xã hội, tuy có vẻ tầm thường, vẫn là vũ khí hiệu quả chống lại sự lây lan của virus.
Nhiều quan chức y tế đối mặt với những thách thức trong việc đánh giá mối nguy hiểm của các biến thể nCoV. Tất cả virus đều biến đổi khi lây truyền giữa các vật chủ, nhưng điều đáng lo ngại nhất là đột biến sẽ làm tăng khả năng lây lan của virus, chống lại vaccine hoặc gây bệnh nghiêm trọng. Các biến thể được phát hiện đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Brazil là ví dụ.
Mỹ gặp khó khăn khi theo dõi các biến thể do việc giải trình tự gene các mẫu virus ở nước này còn hạn chế. Theo các chuyên gia, thống kê về 500 biến thể tìm thấy tại 32 bang, trong đó có biến thể ở Anh, Nam Phi và Brazil, chỉ là một phần nhỏ của bức tranh lớn hơn.
Các bang không có đủ dữ kiện để thông qua các biện pháp chống dịch mạnh tay. Cho đến khi họ nắm trong tay đủ bằng chứng, chuyện có thể đã quá muộn. Josh Michaud, phó giám đốc phụ trách chính sách y tế toàn cầu của tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation, đã so sánh tình hình của nước Mỹ hiện tại với tháng 2 năm 2020, khi việc thử nghiệm còn thưa thớt và số ca nhiễm được báo vẫn ở mức thấp trong bối cảnh virus lây lan nhanh chóng.
"Theo như bài học rút ra từ làn sóng dịch thứ nhất, hành động sớm, mạnh mẽ sẽ cứu nhiều mạng sống hơn là chờ đợi tới khi có các bằng chứng rõ ràng. Một số lượng lớn biến thể có lẽ đang ở Mỹ nhưng ta không hề biết. Điều đó gây khó khăn khi thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng hành động cần được thực thi", ông Michaud cho hay.
Nước Mỹ đang ở tình thế bấp bênh. Thời tiết lạnh giá của mùa đông khiến mọi người hạn chế ra ngoài và các cuộc tụ họp đã giảm đi. Số trường hợp nhập viện trở về mức hồi tháng 11/2020 và các ca mắc trên phần lớn các bang đã giảm. Thế nhưng, biến thể mới của virus có thể làm sụp đổ những tiến độ đó.
Joshua Sharfstein, phó khoa sức khỏe cộng đồng tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết: "Các ca nhiễm đang bắt đầu giảm và chúng ta có cơ hội đẩy lùi dịch bệnh hơn nữa. Nhưng nếu bỏ lỡ thời cơ này, số người mắc Covid-19 sẽ lại tăng lên và nhiều biến thể nguy hiểm sẽ xuất hiện".
Theo Philip Chan, cố vấn của Sở Y tế Rhode Island, những biện pháp thực hiện trong một năm qua vẫn có hiệu quả chống lại biến thể mới. "Chúng ta không thể phong tỏa mãi được, một phần vì người dân đang mất việc và sinh kế", ông nói thêm.
Nathan D. Grubaugh, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Yale, khuyến nghị chính quyền các bang nên giải trình tự gene để đưa ra hạn chế nhắm đến mục tiêu cụ thể, nhằm kìm hãm sự lây lan của virus cho tới khi người dân được tiêm phòng đầy đủ.
Vào tháng 1, các nhà nghiên cứu tại bệnh viện Cedars-Sinai ở Nam California thông báo rằng họ đã tìm thấy ngày càng nhiều mẫu bệnh phẩm có liên quan đến một biến thể mới có tên L452R chưa được phát hiện ở nước ngoài. Trong bối cảnh không có nhiều dữ liệu về trình tự gene của virus, các bệnh viện đang chuẩn bị tinh thần để đối phó với đợt bùng phát liên quan đến các biến thể.
Janis Orlowski, giám đốc chăm sóc sức khỏe của Hiệp hội Cao đẳng Y khoa Mỹ, cho hay: "Trong suốt đại dịch, hệ thống y tế đã gặp rất nhiều áp lực. Các bệnh viện cần lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất vì chúng ta thiếu thông tin cần thiết".
Sự lây lan của các biến thể khiến việc tiêm phòng trở nên cấp bách hơn. Tuy nhiên, ông Plescia cảnh báo đợt tiêm chủng đầu tiên có thể đến quá muộn. "Vaccine không thể giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến các biến thể cho dù chúng ta triển khai tiêm chủng nhanh đến đâu", ông nhận xét.
Mai Dung (Theo Washington Post)