Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) hôm 5/4 công bố ảnh loạt tiêm kích F-15J được sơ tán lên tuyến đường dân sự cạnh căn cứ Naha trên đảo Okinawa, đề phòng nguy cơ sóng thần sau động đất 7,4 độ ở Đài Loan.
Sân bay Naha nằm sát bờ biển và có một đường băng xây trên nền san hô ngoài khơi, khiến địa điểm này dễ bị đe dọa khi xảy ra sóng thần. Động thái gấp rút sơ tán phi đội F-15J là kết quả từ bài học được JASDF rút ra sau tổn thất nghiêm trọng với phi đội tiêm kích hạng nhẹ F-2B trong thảm họa động đất sóng thần hồi năm 2011.
Mitsubishi F-2 là chiến đấu cơ được Nhật Bản phát triển và cải tiến từ mẫu F-16 của Mỹ. Đây là một trong những tiêm kích đầu tiên trên thế giới trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), cũng là một trong những chiến đấu cơ thế hệ 4 đắt nhất lịch sử với mức giá khoảng 127 triệu USD mỗi chiếc.
Mức giá quá cao khiến Nhật Bản chỉ sản xuất 98 máy bay F-2 trong giai đoạn 1995-2011, thay vì 141 chiếc như kế hoạch ban đầu, gồm 4 nguyên mẫu thử nghiệm, 62 chiếc một chỗ ngồi F-2A và 32 máy bay huấn luyện có khả năng chiến đấu F-2B.
Số tiêm kích F-2 này được biên chế cho 4 phi đoàn, trong đó 18 chiếc F-2B được trao cho Phi đoàn huấn luyện số 21 đóng tại căn cứ Matsushima ở tỉnh Miyagi.
Ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ xảy ra ngoài khơi bờ biển phía đông Nhật Bản, tạo ra sóng thần cao 6-10 m đổ bộ vào bờ biển tỉnh Miyagi.
Căn cứ Matsushima nằm sát đường bờ biển phía đông tỉnh Miyagi, đúng hướng sóng thần đổ bộ. Ban chỉ huy căn cứ nhận được cảnh báo sóng thần và nhanh chóng yêu cầu các quân nhân sơ tán lên tầng cao để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, thời gian phản ứng quá ngắn khiến phi đội F-2B vẫn nằm tại sân đỗ ngoài trời và nhà chứa, không kịp di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Không lâu sau đó, sóng thần bắt đầu quét qua căn cứ và nhấn chìm toàn bộ 18 tiêm kích F-2B dưới làn nước biển. Nhiều máy bay bị bùn đất phủ kín, chiếc F-2B số hiệu 114 bị sóng cuốn trôi và đâm vào tòa nhà gần đó.
Chỉ trong vài phút, Nhật Bản mất gần 1/5 phi đội F-2 và hơn một nửa số máy bay F-2B trong biên chế. Một số phi cơ khác có mặt ở căn cứ Matsushima cũng bị hư hại do sóng thần.
Đánh giá sơ bộ của JASDF cho thấy 5 chiếc F-2B bị phá hủy hoàn toàn, không thể phục hồi và phải loại biên. Nhà máy sản xuất F-2B của tập đoàn Mitsubishi khi đó đang hoàn tất những chiếc cuối cùng theo hợp đồng, không thể chế tạo thêm tiêm kích mới để bù đắp tổn thất do chi phí tái khởi động dây chuyền quá cao.
6 máy bay hỏng ở mức trung bình được sửa chữa với chi phí khoảng 120,6 triệu USD mỗi chiếc, gần bằng mức giá xuất xưởng máy bay mới. Quá trình hồi phục cũng mất nhiều năm, phi cơ đầu tiên chỉ được bàn giao cho JASDF vào đầu năm 2015.
Giới chức Nhật Bản phải huy động linh kiện dự trữ để sửa chữa 7 tiêm kích F-2B còn lại với mức giá 66 triệu USD mỗi chiếc, bắt đầu tiếp nhận từ tháng 2/2018.
JASDF tiêu tốn gần 1,2 tỷ USD để khôi phục lực lượng F-2B cho Phi đoàn số 21, chưa kể tổn thất của 5 chiếc F-2B và nhiều máy bay trong trận động đất. Điều này khiến Tokyo tăng cường cảnh giác trước nguy cơ mất khí tài đắt tiền do sóng thần, cũng như thúc đẩy Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát triển dự án tiêm kích tàng hình nội địa nhằm thay thế dòng F-2.
Vũ Anh (Theo Eurasia Times, War is Boring)