Cuối tháng 7, Liên minh châu Âu (EU) đã phân bổ quỹ cứu trợ Covid-19 trị giá 750 tỷ euro (877 tỷ USD), nhằm giải quyết các hậu quả kinh tế lâu dài do đại dịch để lại. Song, đợt bùng phát mới là lời nhắc nhở nghiệt ngã về mối đe dọa dịch tễ ngay trước mắt. Dù chưa có tuyên bố chính thức ghi nhận "làn sóng thứ hai Covid-19", đây là phép thử nghiêm túc đối với chiến lược của các chính phủ nhằm ngăn chặn dịch quay trở lại.
Số ca nhiễm toàn khu vực tăng với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay, khi các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ, dù tình hình nhìn chung vẫn không nghiêm trọng bằng thời gian cao điểm vào tháng 4.
Tại Tây Ban Nha, số ca dương tính mới theo ngày gần 1.000. Các cụm dịch tập trung tại những khu vực như Aragon và Catalonia, nơi có nhiều hộp đêm hoạt động. Chính quyền sau đó phải đóng cửa các tụ điểm này.
Nhiều người trẻ tuổi mệt mỏi với lệnh phong tỏa. Thống kê các trường hợp nhiễm nCoV ở Tây Ban Nha cho thấy virus chủ yếu lây lan ở người độ tuổi 20 đến 30. Lý do là thời tiết ấm áp, thời gian nghỉ hè và việc mở cửa trở lại các quán bar, nhà hàng. Đây là nhóm ít bị ảnh hưởng và không biểu hiện triệu chứng, song chính phủ lo ngại khả năng lan truyền bệnh cho người ốm yếu hơn.
Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran kêu gọi thanh thiếu niên thận trọng, cảnh báo các quán bar trên khắp cả nước có thể phải dừng hoạt động một lần nữa.
Giới chức y tế Đức cũng lưu ý về các ca nhiễm mới tăng đột biến trong tuần qua. Cảnh sát nước này đã phải vật lộn để dẹp bỏ những buổi tiệc tùng kéo dài tới 24 giờ liên tiếp trong bối cảnh dịch bệnh. Vào mỗi cuối tuần, hàng nghìn người tụ tập trong công viên để tham gia khiêu vũ trái phép.
"Ngày càng nhiều người buông lỏng cảnh giác. Họ chỉ đeo khẩu trang khi đi mua sắm hoặc trên tàu điện ngầm, còn lại họ trở về với lối sống thường nhật", giáo sư Dirk Brockmann, Đại học Humboldt Berlin, nhận định.
Ông cho rằng dịch bệnh tái bùng phát phần nhiều do hành vi của người dân, bởi nếu nó bắt nguồn từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế, số ca nhiễm đáng lẽ phải tăng từ trước đó.
"Nếu người dân một lần nữa thay đổi lối sống nói chung, có thể tình hình sẽ được kiểm soát", ông bổ sung.
Số ca dương tính ở Đức vẫn thấp hơn nhiều so với đợt cao điểm. Tuy nhiên, giới chức y tế lo ngại về các cụm dịch mới, tập trung ở lò mổ hoặc viện dưỡng lão.
Tại Bỉ, dịch bệnh leo thang nhanh chóng khiến chính phủ phải siết chặt giãn cách xã hội hơn. Khách hàng bắt buộc đeo khẩu trang tại các cửa hiệu, trung tâm mua sắm. Kể từ hôm 29/7, các gia đình tại đây được yêu cầu hạn chế tiếp xúc gần gũi, giới hạn 5 người trong cùng một không gian. Quốc gia này từng rất quả quyết sẽ mở cửa trường học trở lại vào tháng 9, giờ đây tỏ ra khá dè dặt khi nhắc đến quyết định trên.
"Tình hình hiện tại đáng lo ngại, nhưng không đáng sợ", Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès phát biểu với tờ Le Soir. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý có thể nước này sẽ phải ban hành lệnh phong tỏa lần nữa.
Các quốc gia châu Á cũng đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai.
Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm leo thang nhanh nhất trong nhiều tháng. Ngày 27/7, giới chức y tế ghi nhận 57 trường hợp lây cộng đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 3. Ở phía đông bắc, tỉnh Liêu Ninh đã báo cáo mức tăng trong 5 ngày liên tiếp. Bệnh nhân Covid-19 cũng xuất hiện ở Cát Lâm, lần đầu sau ba tháng.
Ổ dịch tại thành phố Đại Liên lây lan ra khắp 9 tỉnh thành trên cả nước, sau khi được phát hiện tại một nhà máy chế biến hải sản. Giới chức tỏ ra lo ngại khi các đợt bùng phát đều liên quan đến hải sản, bao gồm cả cụm dịch Bắc Kinh hồi tháng 6.
"Các ổ dịch Covid-19 ở Vũ Hán, Bắc Kinh và Đại Liên có những điểm tương đồng nhất định", ông Ngô Tôn Hữu, chuyên gia dịch tễ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, cho hay.
Thành phố Đại Liên đã tiến hành xét nghiệm diện rộng cho 6 triệu người để truy tìm nguồn cơn của virus. Người đứng đầu Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) Mã Hiểu Vỹ nhấn mạnh tình hình dịch tễ ở khu vực này còn nhiều điều chưa chắc chắn, tất cả đang ở giai đoạn đầu. Ông cũng nhận định đây là thời điểm quan trọng để thực hiện công tác phòng ngừa, kiểm soát.
Hong Kong từ "hình mẫu chống dịch" trở thành điểm nóng Covid-19 hoành hành. Đặc khu đang trải qua "làn sóng thứ ba", khi số người mắc leo thang chóng mặt. Hôm 27/7, chính quyền đã siết chặt hơn nữa biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm ăn tối tại nhà hàng và bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời.
Nhật Bản đã tránh được tình trạng lây lan diện rộng, song số ca nhiễm tăng kỷ lục ở Tokyo và các đô thị lớn khác trong tuần cuối tháng 7 khiến chuyên gia lo ngại nước này đối mặt với làn sóng thứ hai.
Chính phủ cho biết sẽ kêu gọi lãnh đạo các doanh nghiệp tăng cường biện pháp chống Covid-19 như làm việc từ xa.
"Tại một số thời điểm, lượng người đến văn phòng đã giảm từ 70 đến 80%, giờ đây tỷ lệ là 30%. Chúng tôi thực sự không muốn quay lại giai đoạn dịch bệnh, vì vậy cần tìm ra những cách mới để làm việc, chủ yếu là trực tuyến", Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura nói.
Tại Việt Nam, diễn biến dịch tễ cũng trở nên khó lường. Sau khi phát hiện ca dương tính đầu tiên sau 99 ngày không lây nhiễm cộng đồng, số bệnh nhân tăng vọt. Cả nước ghi nhận 6 ca tử vong đầu tiên, chủ yếu là người mắc các bệnh lý nền nghiêm trọng. Chính phủ đã nhanh chóng cách ly hai thành phố Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột.
Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không, do vậy, cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng".
Thục Linh (Theo NY Times, Washington Post, Bloomberg)