Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam, nhận định như trên, sau 15 ca nhiễm mới trong đó 14 ca ở Đà Nẵng và một ca Quảng Ngãi có liên quan.
Bác sĩ Hà, từng chỉ huy chống dịch SARS, cho rằng trên thực tế, các bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt thông thường, không có yếu tố dịch tễ. Như vậy, khi bệnh nhân đến viện khám, bác sĩ không thể tự nhiên lấy mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam 99 ngày không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng. Chỉ khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm phổi, thì mới được lấy mẫu xét nghiệm nCoV.
Theo ông, chỉ cần bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, dù không có triệu chứng cũng sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm nCoV.
"Tuy nhiên, các bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ là điều rất khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Điều này không thể nói là do nhà chức trách chủ quan, lơ là chống dịch", bác sĩ nói.
Bác sĩ Hà phân tích, triệu chứng của Covid-19 có biểu hiện ban đầu rất nhẹ: sốt nhẹ, hoặc chỉ ho, hoặc không có triệu chứng. Cộng thêm việc không biết nguồn lây, bệnh nhân thường ở nhà, không đi khám. Khi triệu chứng diễn tiến nặng lên, đến viện khám, lúc này đã ủ bệnh hàng tuần rồi. Kết quả chụp chiếu phát hiện viêm phổi, bệnh nhân mới được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Khoảng thời gian đó đến khi nhận kết quả dương tính nCoV thì bệnh nhân có nguy cơ trở nặng, biến chứng suy hô hấp rất nhanh. Đặc biệt ở người già và những người có bệnh nền diễn biến nặng hơn, bệnh nhân dễ bị viêm phổi hơn, khả năng phục hồi lâu hơn.
Diễn tiến này thể hiện rất rõ ở "bệnh nhân 416" và "bệnh nhân 418". Ngày 25/7, chỉ vài ngày sau khi xét nghiệm dương tính, "bệnh nhân 416" phải can thiệp ECMO, lọc máu. "Bệnh nhân 418" với chẩn đoán theo dõi lao phổi bội nhiễm trên nền bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp bị biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp, thở máy. Cả hai được ghi nhận là lây nhiễm cộng đồng, tuy nhiên hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm cho họ.
"Nguy cơ làn sóng thứ hai bùng phát trên cả nước là điều rõ ràng có thể nhìn thấy", bác sĩ Hà nhận định. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo tất cả mọi người phải cảnh giác. Một mặt, địa phương phát hiện những ca mới, tăng cường xét nghiệm trên diện rộng. Một mặt, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nơi nào nguy cơ cao phải thực hiện giãn cách xã hội.
Bác sĩ Hà khẳng định với các ca lây nhiễm cộng đồng, "không thể tìm được nguồn lây F0". Do đó mỗi người cần phải tự cách ly bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, trang bị lọ nước rửa tay và vệ sinh sạch sẽ theo khuyến cáo phòng chống dịch.
Bộ Y tế khuyến cáo, nếu nghi ngờ nhiễm nCoV hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, cần liên hệ ngay với cơ quan y tế nơi gần nhất để được tư vấn hỗ trợ. Gọi điện thoại đến số 1900988975 cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình. Thực hiện cách ly tại nhà. Khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn/ hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn/ và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe.
Thúy Quỳnh