Mùa mưa ở miền nam Trung Quốc năm nay kéo dài gần gấp đôi so với bình thường. Lượng mưa kỷ lục khiến Trường Giang, con sông dài nhất Trung Quốc, liên tục tràn bờ, gây ngập lụt dọc các vùng trung lưu và hạ lưu.
"Mùa mưa bình thường kéo dài khoảng 24 ngày, nhưng năm nay lên tới 43 ngày", Xiquan Dong, chuyên gia về thời tiết cực đoan tại Đại học Arizona, Mỹ, nói về diễn biến thời tiết vừa qua tại Trung Quốc. Nước lũ nhấn chìm nhiều khu dân cư, phá hủy các công trình và khiến nhiều người ở miền nam Trung Quốc phải sơ tán.
Tuy nhiên, mức độ thiệt hại của đợt lũ lụt năm nay không thảm khốc bằng những trận lũ lịch sử năm 1998. Một số chuyên gia về môi trường cho rằng kết quả này có được là nhờ các chiến lược giảm nhẹ thiên tai dựa trên tự nhiên mà Trung Quốc đang áp dụng.
"Lượng mưa năm nay cao hơn nhiều so với năm 1998, nhưng lũ lụt ít nghiêm trọng hơn và cũng gây thiệt hại ít hơn", Liu Junguo, giáo sư chủ nhiệm Trường Khoa học Kỹ thuật Môi trường thuộc Đại học Khoa học Công nghệ Nam Phương ở Thâm Quyến, nhận xét.
Theo Bộ Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp Trung Quốc, lũ lụt năm nay khiến 158 người chết và mất tích, hơn 400.000 ngôi nhà bị phá hủy. Trong khi đó, trận lụt lịch sử năm 1998 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và làm 15 triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng lũ lụt năm 1998 là do những trận mưa lớn bất thường cũng như nạn phá rừng tràn lan và mật độ dân số cao dọc theo sông Trường Giang cùng các phụ lưu của nó.
Theo giáo sư Liu, thảm họa năm 1998 đã khiến chính phủ Trung Quốc phải suy nghĩ lại toàn bộ chiến lược quy hoạch và quản lý lũ lụt. Phương pháp mới, được đưa ra vào năm 2007, nằm trong Chương trình Quốc gia về Chống Biến đổi Khí hậu Trung Quốc, đã chuyển trọng tâm sang các giải pháp dựa vào thiên nhiên để quản lý rủi ro lũ lụt.
"Đây chắc chắn là bước ngoặt rất quan trọng trong tư duy của chính phủ Trung Quốc về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên", Liu nói.
Trong nhiều thế kỷ, chiến lược kiểm soát lũ của Trung Quốc chủ yếu dựa vào các tuyến đê được xây dựng bên bờ sông, nhằm ngăn cách nước sông tràn bờ với khu vực sinh sống, canh tác của người dân bên kia đê. Với hơn 32.000 km đê, Trung Quốc sở hữu một trong những hệ thống đê điều lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, hệ thống đê điều mọc lên dọc mọi con sông lại khiến nước lũ dâng cao hơn, tạo áp lực ngày càng lớn hơn lên những con đê ngày càng quá tải, xuống cấp. Khi đê vỡ, hậu quả mà nước lũ gây ra cho những khu dân cư mọc lên ngày càng san sát cạnh bờ sông càng thảm khốc hơn.
Nhằm khắc phục thiệt hại do tình trạng hệ thống đê điều quá tải gây ra, Trung Quốc đã khởi động một số đại dự án phục hồi sinh thái, trồng hàng tỷ cây xanh nhằm ngăn nước trên vùng núi đổ ra sông và giữ thêm nước ở thượng nguồn.
"Chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng rất nhiều chương trình phục hồi rừng", Liu cho biết. "Vậy nên, khi chúng ta trồng nhiều rừng ở thượng nguồn, chúng có thể làm giảm tốc độ dòng chảy. Điều này vô cùng hữu ích trong việc giảm thiểu lũ lụt".
Liu cho hay các nghiên cứu của ông cho thấy tùy thuộc vào bối cảnh, địa hình, việc trồng rừng có thể giúp giảm lũ lụt tới 30%.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc còn đang tích cực triển khai các dự án "thành phố bọt biển" với mục tiêu tăng không gian xanh và vỉa hè có khả năng hút nước để hấp thụ nhiều nước mưa hơn trong những không gian đô thị dễ bị ngập lụt.
Theo Jeff Opperman, nhà khoa học về nước ngọt tại Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, chiến lược mới của Trung Quốc cũng tập trung vào việc khôi phục nguyên trạng các khu vực bãi bồi dọc sông Trường Giang. Đây là những vùng trũng thấp, thường xuyên xảy ra ngập lụt.
"Bãi bồi là một loại địa hình tự nhiên. Các con sông thường có xu hướng dâng lên rồi tràn vào khu vực bãi bồi theo mùa tương đối đều đặn", Opperman nói và thêm rằng việc di dời người dân ra khỏi những vùng bãi bồi là cách tốt nhất giúp bảo vệ họ khỏi lũ lụt và cho phép nước sông được chảy tự do, thay vì chặn chúng lại bằng đê điều.
Theo ông, lý tưởng nhất là chính phủ cần có các chính sách ngăn người dân sinh sống với mật độ cao tại những khu vực bãi bồi ngay từ đầu.
Sau các trận lũ lụt năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã thuyết phục 2,4 triệu người dân rời khỏi vùng đất dọc sông Trường Giang, khôi phục gần 2.600 km2 đất bãi bồi.
Liu đánh giá những biện pháp can thiệp dựa vào tự nhiên này đã phát huy hiệu quả. "Nếu không có các chương trình như vậy, thảm họa lũ lụt sẽ tồi tệ hơn rất nhiều", ông nói.
Tuy nhiên, theo David Shankman, chuyên gia về lũ lụt Trung Quốc tại Đại học Alabama, Mỹ, việc thuyết phục hàng chục triệu người di dời khỏi vùng đồng bằng ngập nước sông Trường Giang gần như là điều bất khả thi.
"Đó là trung tâm vựa lúa của Trung Quốc", ông cho biết.
Không ít gia đình đã sống ở đây nhiều thế hệ và họ không muốn từ bỏ công việc đồng áng. Bất chấp những nỗ lực nhằm khuyến khích người dân rời đi, dân số tại các khu vực bãi bồi vẫn gia tăng, khiến những vùng chứa nước lũ thiết yếu bị thu hẹp. Hệ quả là tình trạng lũ lụt trở nên tồi tệ hơn, Shankman cho hay.
Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD xây dựng các con đập trên sông Trường Giang và các nhánh của nó. Đập Tam Hiệp, hoàn thành năm 2006, đã giúp điều tiết 30% lưu lượng nước trong năm nay, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Dù vậy, dự án này gây tranh cãi bởi nó khiến 1,3 triệu người phải di dời.
Giới phê bình hiện hoài nghi về tính hiệu quả của con đập và một số người bày tỏ lo ngại rằng con đập có thể bị hư hại khi áp lực nước tăng lên ở thượng nguồn.
Chuyên gia Xiquan Dong từ Đại học Arizona cho biết biến đổi khí hậu sẽ khiến tình trạng lượng mưa vượt ngưỡng trung bình trở nên phổ biến dọc sông Trường Giang.
"Với biến đổi khí hậu, nhiệt độ đại dương sẽ tăng lên, khiến hơi nước hình thành nhiều hơn ở miền nam Trung Quốc", Dong nói. "Các hiện tượng cực đoan, như lũ lụt, sẽ diễn ra thường xuyên hơn so với trước đây".
Hàng loạt nghiên cứu được thực hiện trong một thập kỷ qua đã xác nhận những phát hiện của Dong. Các mô hình mưa thay đổi có khả năng ảnh hưởng đến nhiều hệ thống sông lớn trên thế giới.
Những dự án quản lý lũ quy mô lớn của Trung Quốc có thể giúp thế giới biết cách làm nào hiệu quả và cách làm nào không thực sự tốt, Cecilia Tortajada, chuyên gia về chính sách nước tại Đại học Singapore, nhận xét.
"Về mặt quản lý nước lũ, họ đã học được rất nhiều", bà nói.
Các nước nên chuẩn bị sẵn sàng cho một thế giới mà ở đó những trận lụt dữ dội hơn sẽ xảy ra. Thách thức sẽ chỉ càng trở nên khó khăn hơn khi thế giới ngày một nóng lên.
"Lũ lụt sẽ không biến mất", bà nhấn mạnh. "Bạn phải lên kế hoạch cho nó bởi đấy sẽ là điều bình thường mới".
Vũ Hoàng (Theo The Week)