Fan Xiao, nhà địa chất học tại Cục Địa chất và Khoảng sản Tứ Xuyên, cho biết nhiều thập kỷ cải tạo đất và xây đập trên những con sông thuộc lưu vực sông Trường Giang đã làm giảm diện tích và thể tích hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc ở Giang Tây.
Khoảng 1.300 km đất được khai hoang tại đó từ năm 1954 tới 1998, khiến diện tích bề mặt hồ thu nhỏ từ 5.160 km2 xuống 3.860 km2, theo nghiên cứu của David Shankman, nhà địa lý học tại Đại học Alabama, Mỹ.
Zhang Wenbin, một nhà bảo vệ môi trường, cho biết ông từng điều tra hoạt động cải tạo đất trái phép ở Thác Lâm, một hồ nước ngọt khác trong tỉnh Giang Tây. Ông cho hay một số dự án quanh hồ vẫn được tiến hành năm ngoái, dù thanh tra môi trường chính phủ đã yêu cầu chấm dứt.
"Có rất nhiều vụ tương tự", Zhang nói, cho hay hồ Thác Lâm đã bị thu hẹp kích thước, làm giảm dung tích chứa nước.
Trung Quốc đang trải qua đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong mấy chục năm qua. 27 địa phương với hơn 37 triệu người bị ảnh hưởng, ít nhất 140 người chết hoặc mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính 12,3 tỷ USD.
Ở một số khu vực chịu thiệt hại nặng nhất như Giang Tây, đê vỡ, nhà cửa bị phá hủy, khiến người dân địa phương nhớ về trận lũ năm 1998 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và 15 triệu người mất nhà cửa.
"Chúng tôi ở vùng đất cao hơn nên không ngờ lũ nghiêm trọng như thế, nước ào ào xộc tới, tôi phải lái xe tới cửa hàng đóng gói hàng hóa", Ping Ping, chủ một cửa hàng gốm sứ tại Cảnh Đức Trấn, thành phố có lịch sử chế tác gốm sứ hơn 1.700 năm ở tỉnh Giang Tây, nói.
"Từ trước, tôi chỉ nhìn thấy lũ trên tivi. Đêm đó, nước lũ ban đầu dâng cao tới đầu gối tôi, sau đó lại tiếp tục dâng lên", cô nói.
"Chính quyền Cảnh Đức Trấn phải suy nghĩ về điều này. Năm nào chúng tôi cũng nghe cảnh báo lũ, vì vậy chủ cửa hàng thường có kinh nghiệm nên chuẩn bị những gì vào lúc nào", cô nói, đặt nghi vấn tại sao các chủ cửa hàng lại không kịp chuẩn bị mùa hè này.
Vào mùa hè, Trung Quốc thường xảy ra lũ lụt nhưng hành vi cải tạo đất trái phép cùng biến đổi khí hậu đã góp phần khiến hậu quả nặng nề hơn và thời gian mưa lũ dài hơn.
"Hệ thống đới áp cao cận nhiệt đới ở phía tây bắc Thái Bình Dương năm nay rất mạnh", Song Lianchung, giám đốc Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, cho hay. "Nó giao thoa với không khí lạnh dẫn tới mưa lớn liên tục trút xuống bồn địa sông Trường Giang".
Một lý do nữa là sự nóng lên toàn cầu, ông nói thêm. Từ năm 1961 tới 2018, số lượng "các trận mưa cực lớn" ở Trung Quốc đã tăng lên, theo Sách xanh Trung Quốc về Biến đổi khí hậu 2019. Từ giữa thập niên 1990, tần suất những trận mưa lớn tăng lên đáng kể. Trong 60 năm qua, số ngày mưa lớn tăng 3,9% mỗi thập niên.
Sau thảm họa lũ năm 1998, Bắc Kinh đã tăng cường ngân sách cho các dự án kiểm soát lũ.
"Ngân sách Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng thủy trong 5 năm sau 1998 nhiều hơn tổng ngân sách từ năm 1949 đến 1999", Cheng Xiatao, chuyên gia của Ủy ban Giảm thiểu Thiên tai Quốc gia, nói.
Cheng cho hay nhiều hồ chứa đã được xây dựng trên những con sông lớn của Trung Quốc sau năm 1998, bao gồm đập Tam Hiệp khổng lồ, có vai trò chính trong việc "giảm áp lực lũ xuống hạ lưu sông Trường Giang".
Tuy nhiên, các chuyên gia đã đặt nghi vấn liệu những con đập khổng lồ như vậy có thể kiểm soát lũ ở hạ lưu một cách hiệu quả hay không và Tam Hiệp, đập lớn nhất thế giới xây năm 2006 nhằm 'chế ngự' sông Trường Giang, một lần nữa lại gây tranh cãi.
Ông Fan cho rằng con đập có thể ngăn một phần lũ ở thượng nguồn, nhưng không mấy tác dụng trong kiểm soát lũ ở trung và hạ lưu Trường Giang.
Peter Gleick, nhà nghiên cứu thủy khí học, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, nhận định đập Tam Hiệp rút ra bài học lớn rằng không có con đập nào, dù lớn tới đâu, có thể ngăn chặn thảm họa lũ. Nhưng Gleick nói thêm hiện chưa rõ lũ ở Trung Quốc có tệ hơn nếu không có Tam Hiệp.
"Những gì chúng ta mới biết đến là biến đổi khí hậu do con người gây ra làm tăng nguy cơ xảy ra các trận mưa và lũ cực đoan, khiến những con đập như Tam Hiệp không thể ngăn chặn lũ lớn trong tương lai", ông nói.
Liu Junyan, nhà vận động về khí hậu và năng lượng của tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á, cho hay cường độ và tần suất các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang tăng lên, đồng nghĩa với việc Trung Quốc nên cân nhắc yếu tố rủi ro khí hậu vào quy hoạch đô thị.
"Quy hoạch và xây dựng cần phải được xem xét để đáp ứng yêu cầu đối phó rủi ro do khí hậu gây ra trong tương lai", Liu nói.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)