Chương trình diễn ra 20h30 nhưng trước nửa tiếng, gần 200 chỗ của phòng trà kín khán giả. Bạch Tuyết khoác áo dài thêu họa tiết hoa sen lên sân khấu, mở đầu bằng trích đoạn Hoàng hậu của hai vua (soạn giả Lê Duy Hạnh) - vở cải lương độc thoại đầu tiên. Biểu cảm thất thần của Thái hậu Dương Vân Nga trước cảnh các đại thần giành giật ngôi báu được thể hiện qua từng động tác, dáng đi lẫn lời ca của Bạch Tuyết.
Kết thúc tiết mục, Bạch Tuyết nhìn quanh khán phòng, mắt rưng rưng, nói không nghĩ nhận được tình cảm lớn đến vậy từ công chúng sau 60 năm làm nghề. Bà chọn tên đêm nhạc là Gửi người tri kỷ vì muốn nhắn nhủ: Khán giả là tri kỷ của đời bà. Nói như nghệ sĩ Phùng Há - thầy của bà, khán giả là "ân nhân". Bà nhờ trợ lý gửi tặng mỗi người xem một tấm bưu thiếp, trong đó ghi nắn nót dòng chữ: "Đời tôi không gì cao quý bằng cải lương, nơi tôi được thăng hoa và phụng sự, nơi tôi được yêu thương và bảo bọc... Sân khấu ca kịch đã cho tôi cái tình của khán giả và trao cho khán giả một phần ký ức, một góc làm người tri kỷ - qua những nhân vật của tôi".
Trước chương trình, êkíp bán vé cho một số khán giả xem online từ xa. Sau đó ban tổ chức quyết định không livestream mà ghi hình rồi phát lại. Bà dặn trợ lý hoàn tiền vé cho các khán giả. "Họ nằng nặc không nhận, nói dùng tiền đó để mua hoa tặng Bạch Tuyết", bà nói.
Trong gần ba tiếng đồng hồ, Bạch Tuyết chọn những trích đoạn ngắn từ các vở từng làm nên tên tuổi. Không có dàn đờn ca tài tử, Bạch Tuyết thăng hoa cùng tiếng đàn duy nhất của nghệ sĩ Thanh Hải - danh cầm gắn bó với bà nhiều năm qua. Diễn đoạn cô Lựu gặp lại Minh Luân - con trai thất lạc từ lâu - trong vở Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang), nghệ sĩ hát về nỗi lòng người mẹ chịu tiếng phản bội chồng nhưng khó thể tỏ bày cùng con. Khi tái hiện đoạn trích Kiều Phong - A Tỷ (chuyển thể từ Thiên long bát bộ của Kim Dung), bà tự nhận chỉ là "đĩa đeo chân hạc" so với thầy mình - danh ca Út Trà Ôn. Hát Tuyệt tình ca, bà một mình đóng hai vai trong trích đoạn ông cò quận 9 (Út Trà Ôn) hỏi tội cô gái Trường An cứng đầu.
Bạch Tuyết dành phần lớn thời lượng ôn lại ký ức. Đầu thập niên 1960, Út Trà Ôn - đệ nhất danh ca bấy giờ - đưa bà về đoàn Thống Nhất, đào tạo cùng nhiều cô đào như Thanh Xuân, Diệu Hiền, Kim Tuyến... Bà được những cây đa, cây đề trong nghề huấn luyện như Phùng Há - người bà gọi là "má Bảy", nghệ sĩ Năm Châu, "cô Hai" Kim Cúc... Về chất giọng, bà chịu ảnh hưởng sâu sắc từ lối ca của "sầu nữ" Út Bạch Lan. Trong cánh gà, bà từng say mê xem các đàn chị diễn, thuộc làu phân cảnh của họ mà quên mất thoại của mình. Sau này nhìn lại, bà vẫn không tin có những năm tháng may mắn sống cạnh các tinh hoa của nền cải lương.
Nhờ những lời dặn của thầy cô, Bạch Tuyết học cách chịu đựng thị phi khi làm nghề. Một lần, bà đi xe buýt, gặp một gã giang hồ khoe có quen biết với Út Trà Ôn, nói ông hát hay là nhờ hút thuốc. Hồi đó, bà chưa nổi tiếng nên các khách trên xe không nhận ra. Bà không dám lên tiếng, chỉ về thưa lại với Út Trà Ôn. Ông trợn mắt: "Trời đất, người ta đồn vậy đó hả? Một điều tao còn không dám hút vì sợ mất giọng". Từ đó bà nhận ra, cuộc đời nghệ sĩ nhiều khi chấp nhận chịu hàm oan vì không thể đi khắp nơi để đính chính.
Có lần, một đồng nghiệp hỏi Bạch Tuyết: "Hát cải lương thôi mà học đến tiến sĩ làm gì vậy?". Bà nói luôn học ở mọi lúc, mọi nơi từ những chuyến xe đò liên tỉnh đến các buổi tòa xử vợ chồng ly hôn. Tất cả làm nên vốn sống giúp bà có thêm chất liệu nhập vai. "Cái giả của sân khấu luôn bắt đầu bằng cái thật từ đời sống. Để học được cái thật đó, tôi phải tìm tòi mỗi ngày để tự làm mới. Học tập với tôi như một trách nhiệm để làm nghề nghiêm túc hơn", bà nói. Tâm niệm điều đó, nhiều năm qua, bà thường bám sát đời sống âm nhạc của giới trẻ. Thi thoảng, bà cover các bản hit như Em gái mưa (Hương Tràm hát), Ông bà anh (Lê Thiện Hiếu), Hoa nở không màu (Hoài Lâm)... theo lối vọng cổ, được nhiều người hưởng ứng.
Cuối đêm diễn, Bạch Tuyết hòa điệu cùng khán giả. Bà bắt nhịp cho người hâm mộ hát bài Dạ khúc tri âm - in trong tờ bưu thiếp phát đầu chương trình. Xuống tận mỗi bàn, Bạch Tuyết ngạc nhiên khi một lượng lớn khách chỉ ngoài 20 tuổi. Nhiều người lặn lội từ Hậu Giang, Vĩnh Long đến gặp bà trong đêm rồi lại quay về địa phương làm việc. Bà xúc động gọi đó là sự tiếp nối thế hệ tri kỷ của mình. "Câu hò vấn vương, điệu lý tương phùng. Trăm năm ước nguyện, tâm đồng thủy chung", bà hát thay lời cảm tạ người hâm mộ.
Mai Nhật