Lễ tẩm liệm cố nghệ sĩ diễn ra vào 12h trưa 5/11 tại tư gia của bà ở một chung cư nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP HCM. Linh cữu được quàn tại chùa Ấn Quang, phường 9, quận 10. Lễ động quan lúc 7h sáng ngày 8/11 sau đó linh cữu được hỏa táng ở Bình Hưng Hòa.
Ngày 24/10, nữ Nghệ sĩ Ưu tú còn suất tập cuối cùng tại Rạp Công Nhân, TP HCM chuẩn bị diễn vở Mẹ ngồi sàng gạo (kịch bản: NSƯT Bắc Sơn). Nhưng đến ngày 27/10, bà trở bệnh nặng phải nằm ở nhà, vai người mẹ trong vở diễn của bà được nghệ sĩ Cao Mỹ Châu đóng thế. Đầu tháng 11, khi phóng viên điện thoại hỏi thăm, bà vẫn trò chuyện và cho biết sức khỏe đã yếu rất nhiều.
Từ đầu năm nay, Út Bạch Lan bị phát hiện có khối u nguy hiểm ở vùng bụng và mắc bệnh liên quan đến gan. Bà trải qua vài đợt hóa trị tại bệnh viện. Sau đó, bà được người thân đưa về nhà để thuốc men, chăm sóc. Nhà báo Thanh Hiệp - người gần gũi với Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan - cho biết, dù sức yếu, bà vẫn nhiệt tình tham gia vài dự án cải lương do anh mời và đóng góp ý kiến xây dựng vở diễn. Những năm cuối đời bà gắn bó với Câu lạc bộ Sân khấu Lạc Long Quân và Câu lạc bộ sân khấu Hoa Lan Trắng để biểu diễn các chương trình văn nghệ từ thiện.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan ở suất tập sân khấu cuối cùng vào ngày 24/10. Sau buổi này, bà trở bệnh nặng và nằm ở nhà đến khi mất. |
Tin "sầu nữ" Út Bạch Lan qua đời khiến giới nghệ sĩ cải lương bàng hoàng. Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Quốc cho biết, khoảng 23h tối 4/11, anh nhận được tin buồn.
"Tôi và nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ đều xem NSƯT Út Bạch Lan là một tấm gương mẫu mực về tài năng lẫn đạo đức làm nghề. Má rất hiền, lúc nào cũng khuyên con cháu làm nghề cho đứng đắn", anh nói. Hữu Quốc vẫn thấm thía những bài học nhân nghĩa mà bà để lại cho thế hệ sau. "Còn đau đớn nào hơn. Vĩnh biệt sầu nữ Út Bạch Lan - người nghệ sĩ tài danh", Thoại Mỹ chia sẻ.
Nghệ sĩ Huỳnh Quý chở NSƯT Út Bạch Lan trong một lần đi trao quà từ thiện. Ở tuổi 80, bà vẫn tất bật với các hoạt động công tác xã hội. Ảnh: Thanh Hiệp. |
Hơn 20 năm qua, Út Bạch Lan và nhóm từ thiện "Hoa lan trắng" (lấy theo tên bản vọng cổ do nghệ sĩ Viễn Châu viết tặng cuộc đời bà) gồm các diễn viên cải lương trẻ và các nghệ sĩ như Diệu Hiền, Thanh Sử… miệt mài đi làm từ thiện. "Cứ mỗi lần cả nhóm sắp sửa lên đường đi hát, đi trao quà cho bà con là lòng tôi rộn niềm vui. Nhờ vậy, tôi có thể quên đi cái mệt của tuổi tác để ngồi xe cùng các em, cháu đi tỉnh xa, rồi đi bộ đến những địa chỉ từ thiện ở miền quê, ở chùa", bà từng chia sẻ với VnExpress..
Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan, sinh năm 1935, tên thật là Đặng Thị Hai. Bà thành danh trên sân khấu cải lương miền Nam từ những năm 1960 với vai cô lái đò trong vở Tình tráng sĩ. Sau đó, bà gây tiếng vang, ghi dấu ấn qua các vai diễn trong nhiều vở tuồng nổi tiếng như: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa... Đến nay, bà được xem là nghệ sĩ gạo cội của làng cải lương, là "viên ngọc quý" với giọng hát và phong cách diễn mượt mà, trữ tình có một không hai.
Thời gian năm 1976 đến 1986, Út Bạch Lan làm trưởng đoàn cải lương Long An, thời điểm này bà đã dìu dắt, nâng đỡ, chỉ dạy các nghệ sĩ trẻ để họ phấn đấu cho sự nghiệp nghệ thuật, trong đó có ba nghệ sĩ đã được nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú: Mỹ Thu, Phương Hồng Thủy, Ngân Vương.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan qua đời vì bệnh ung thư gan. |
Hơn 60 năm gắn bó cùng sân khấu, ngoài những giải thưởng đạt được trong nghề, nữ nghệ sĩ được báo giới và khán giả ưu ái dành tặng các danh hiệu như "Đệ nhất đào thương", "Nữ hoàng vọng cổ", "Sầu nữ Út Bạch Lan"...
Tâm Giao & Mai Nhật
>> Xem thêm:
Út Bạch Lan: 'Tôi không muốn xin danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân'