![]() |
NSND Út Trà Ôn. |
Lễ truy điệu sẽ được tổ chức vào lúc 9h ngày 17/8. Nghệ sĩ được đưa đi an táng tại nghĩa trang Chùa Nghệ sĩ, Gò Vấp.
NSND Út Trà Ôn bị mắc bệnh nhũn não, khiến cánh tay trái và chân trái bị tê liệt. Những ngày cuối đời ở bệnh viện, nghệ sĩ liên tục dùng tay phải lần chuỗi hạt, chân phải cử động mạnh mỗi khi có ai đó đến thăm. Đôi mắt ông mở to nhìn người thân, dường như muốn nói điều gì mà không thốt được nên lời. Ca sĩ Bích Phượng (con gái nghệ sĩ Út Trà Ôn) nghẹn ngào kể: "Hôm đó, ba bị té khi đi vệ sinh, cả nhà không ai hay vì dạo này ba muốn được yên tĩnh... Má khóc hết nước mắt khi bác sĩ bảo phải đem ba vào bệnh viện. Ba còn nhiều điều trăng trối nhưng chưa nói được".
Soạn giả Viễn Châu là người cuối cùng đến thăm người bạn tri âm. Đối với NSƯT Viễn Châu, sự nghiệp của ông với hơn 2.000 bài vọng cổ, thì có 2/3 là nhờ công lao truyền bá của NSND Út Trà Ôn, một anh nông dân xuất thân từ miệt đồng có cái tên rất mộc mạc: Nguyễn Thành Út. Ông Út có khiếu ca nhạc tài tử, nên sau mỗi mùa gặt, ông thường được bạn bè chiêu đãi. Tiếng lành đồn xa, một nhà sư đã tặng ông bài Tôn Tẫn giả điên. Với vốn liếng đó, ông quá giang ghe lá từ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long lên Sài Gòn lập nghiệp. Gia sản mang theo chỉ có bài ca, chiếc nón lá và vài bộ quần áo. Khi nghe tin: "Gánh hát Tiến Hóa cần tuyển kép trẻ", ông nôn nao xin được thi thử. Bầu gánh gật đầu nhận ngay sau câu vọng cổ đầu tiên. Từ bước ngoặt đó, làng sân khấu cải lương miền Nam đã có Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn.
Vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ tài hoa đã cống hiến cả đời cho sân khấu. Từ gánh Tiến Hóa chân ướt chân ráo, đến đoàn Tài năng Trẻ Nhà hát Trần Hữu Trang với chặng đường 70 năm. Ông chính là tấm gương phấn đấu của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương. Sống và chết vì nghề, vì nét đẹp chân phương sân khấu dân tộc.
(Theo NLĐ)